Cách đây hơn 38 năm, mặt hàng mỹ nghệ hải sản (MNHS) Nha Trang đã ra đời và phát triển, được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, do các cơ sở sản xuất chỉ quan tâm đến số lượng, không chú trọng đến chất lượng, dẫn đến hàng MNHS Nha Trang mất dần thị trường tiêu thụ. Giờ đây, ngành nghề này đang sống thoi thóp trước sự cạnh tranh...
Qua đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, các loại vỏ ốc trở thành những mặt hàng MNHS đẹp, lạ và vui mắt. |
Cách đây hơn 38 năm, mặt hàng mỹ nghệ hải sản (MNHS) Nha Trang đã ra đời và phát triển, được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, do các cơ sở sản xuất chỉ quan tâm đến số lượng, không chú trọng đến chất lượng, dẫn đến hàng MNHS Nha Trang mất dần thị trường tiêu thụ. Giờ đây, ngành nghề này đang sống thoi thóp trước sự cạnh tranh...
° Một thời hoàng kim
Theo chân ông Mai Thanh Liêm - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh, chúng tôi đến Công ty Xuất khẩu vỏ hải sản Chân Châu - gia đình nghệ nhân “cao thủ”, nơi được coi là đã khai sinh ra ngành nghề MNHS ở Nha Trang. Ông Liêm cho biết, gia đình này đã từng đem Huy chương Sáng tạo vỏ MNHS đẹp nhất về cho tỉnh nhà vào năm đầu 1980. Nói chuyện với chúng tôi, chị Phan Thị Mỹ, con trưởng trong gia đình cười chua chát: “Không hẳn như anh Liêm nói đâu!, tuy là “có tiếng nhưng không có miếng”. Dù sao gia đình mình cũng rất vui vì đã góp một phần cho tỉnh”. Khi nghe chúng tôi muốn biết xuất xứ của ngành nghề này, đôi mắt hai chị em Mỹ và Ngọc đã sáng lên. Chị Mỹ kể, khoảng năm 1965, cha mẹ của chị - ông Phạm Tân Thanh và bà Huỳnh Thị Nhiên đang ngồi chơi ở biển bắt gặp những vỏ ốc đủ màu sắc. Vui tay, ông bà đã sắp xếp những vỏ ốc lại thành hình con thú. Khách du lịch tình cờ nhìn thấy, ngỏ ý muốn mua về làm kỷ niệm. Thấy đây là cơ hội để kiếm tiền, hai vợ chồng bàn tính và quyết định mở Cửa hiệu Mỹ Ngọc chuyên sản xuất hàng MNHS xuất khẩu. Ngày qua ngày, với đôi tay khéo léo của mình, ông bà đã sáng tạo ra nhiều kiểu dáng đẹp hơn, hay hơn và đòi hỏi công phu hơn. Để vỏ ốc không bị mùi hôi tanh, láng bóng và có nhiều màu sắc tự nhiên, ông bà Thanh đã bỏ ra biết bao công sức nghiên cứu phương pháp tẩy rửa, chế biến và xử lý nguyên liệu. Đó là một công việc đòi hỏi tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất nhiều thời gian. Trước tiên, phải rửa sạch đất cát rồi ngâm chúng trong nước pha hóa chất cho rã thịt, có khi phải chôn chúng dưới đất. Sau đó, dùng que nhọn moi hết thịt bên trong rồi rửa lại bằng hóa chất hoặc xà bông, nước nhiều lần cho hết mùi rồi đem phơi.
Từ các loại ốc hoa, ốc nón, ốc xà cừ, ốc xác vàng, ốc bàn tay, ốc mút, ốc cối, ốc điếu, ốc sú, ốc mặt trăng, ốc ruốc…, ông bà đã sáng tạo ra các mặt hàng trang sức, đồ trang trí như: nhẫn, lắc, vòng, hoa tai, dây chuyền, hoa cài áo, nút áo, gạt tàn, đèn ngủ, bình cắm hoa, hình dáng con vật… Khéo léo hơn, ông bà còn khắc lên những chiếc đèn ngủ, bình cắm hoa, gạt tàn… những chữ lưu niệm hay hình con thú, hình cô gái, bản đồ Việt Nam… Thấy mặt hàng đẹp, lạ và vui mắt, khách du lịch trong và ngoài nước rất thích mua về làm kỷ niệm. Nhiều công ty, DN nước ngoài chú ý và đã đặt mua số lượng lớn. Từ đó, gia đình chị chỉ sản xuất mặt hàng MNHS xuất khẩu. Để kịp với thời hạn hợp đồng giao hàng, gia đình chị phải thuê hàng chục gia đình khác trong xóm làm ốc cả ngày lẫn đêm. Làm thế vẫn không kịp, ba mẹ chị đã đem ốc đến từng gia đình hợp đồng với họ gia công và khoán theo sản phẩm. Những công đoạn dễ như lấy ruột ốc, đục ốc giao cho hàng xóm làm, còn các công đoạn khó, đòi hỏi sự khéo léo, kỹ thuật cao, gia đình chị tự làm. Nhờ vậy, hơn một trăm gia đình trong xóm và lân cận đã có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Làm lâu có thêm kinh nghiệm, nhiều gia đình, DN, tư thương đã bung ra tự làm, tự bán, tự xuất khẩu. Mẫu ốc đèn có khắc hoa văn bản đồ Việt Nam là mặt hàng đẹp nhất và được khách nước ngoài ưa chuộng nhất lúc bấy giờ của gia đình chị. Năm 1980, HTX Trường Nguyên đã lấy mẫu đó đem tung ra thị trường và được Nhà nước đánh giá cao, tặng thưởng Huy chương Sáng tạo. Mấy tháng sau, gia đình chị mới biết và khởi kiện. Cuối cùng gia đình chị đã được trả lại uy tín cùng Huy chương Sáng tạo.
Để quản lý các DN, tư thương làm hàng MNHS xuất khẩu, tỉnh đã thành lập Công ty Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ (TCMN). Những đầu mối xuất khẩu, làm ăn đều phải thông qua Công ty này. Do vậy, các cơ sở sản xuất hàng MNHS xuất khẩu đều phải dưới sự quản lý, điều hành, phân phối, bao tiêu của Công ty Xuất khẩu TCMN tỉnh.
° Con đường trượt dốc
Sau một thời gian hoạt động, Công ty Xuất khẩu TCMN tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu. Nguyên nhân chính là do các DN, tư thương làm nghề thủ công MNHS chỉ quan tâm đến lợi ích riêng, chạy theo số lượng, không chú trọng đến chất lượng. Còn Công ty Xuất khẩu TCMN lại không quản lý về sản xuất, nên khâu chất lượng gần như bị thả nổi. Vì vậy, Công ty đã nhiều lần lao đao khi bị các công ty nước ngoài trả hàng về do kém chất lượng. Chỉ cần một số sản phẩm chưa được gọt nhẵn, không đều, kém tinh xảo, còn chút mùi tanh của ốc… là có thể bị trả lại cả một lô hàng, gây thiệt hại không nhỏ. Chính những việc làm tắc trách trên đã dẫn đến MNHS Nha Trang bị mất dần thị trường tiêu thụ. Năm 1997 - 1998, Công ty Xuất khẩu TCMN tỉnh phải giải thể do làm ăn thua lỗ và mất uy tín. Như rắn mất đầu, các cơ sở sản xuất thủ công MNHS xuất khẩu lâm vào bế tắc, đầu ra không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, nhiều cơ sở sản xuất tan rã. Hiện nay, chỉ còn một vài cơ sở sản xuất nhỏ, chỉ đủ hàng bán cho khách nước ngoài đến du lịch tại địa phương. Giá các sản phẩm cũng rẻ như bèo. Du khách chỉ cần vài trăm ngàn đồng là có thể mua được nhiều hàng mỹ nghệ lưu niệm như: các con ốc sứ, ốc vân lấp lánh đủ màu sắc, nhẫn, vòng đeo tay, dây chuyền, lắc, móc chìa khóa, con thú, đèn ngủ… Tất nhiên, tiền nào của đó, khách chỉ có thể sử dụng hơn một tháng là bỏ, do chất lượng thấp. Chính vì vậy, khách du lịch cũng không mặn mà mấy với các loại sản phẩm mỹ nghệ đó.
° Đâu là lối thoát?
Giờ đây, cha mẹ chị Mỹ - Ngọc, người được coi là khai sinh ra nghề này không còn nữa, nhưng hai chị vẫn nối nghiệp cha mẹ. Tuy nhiên, trước hoàn cảnh hiện nay, gia đình chị phải tạm ngưng hoạt động và chờ thời cơ mới. Chị em Mỹ - Ngọc dẫn chúng tôi đến nhà kho chứa ốc của gia đình đã bị “bỏ quên” 2 năm nay. Nhìn những bao tải ốc lớn nhỏ nằm ngổn ngang, vương vãi trên đất lâu năm giờ đã bị rong rêu, tơ nhện giăng đầy. Nhặt một vỏ ốc xác vàng, chị nói: “Nhìn cứ như là đồ phế thải vứt đi, nhưng cái vỏ ốc này có thể làm được một chiếc hoa tai đó. Cả những vỏ nghêu này nữa, chúng tôi đem vứt đầy sân thế thôi, nhưng chỉ cần một phút chúng có thể biến thành con thú hoặc chiếc kẹp tóc ngay. Dưới chân mình đang đứng là cả một kho báu đấy. Nếu ở trong tay nghệ nhân, giá trị của chúng tính với thời điểm hiện nay thì vô giá. Toàn ốc quý cả. Nhưng với người bình thường chúng chỉ là rác. Trước đây, 1kg ốc xác vàng khoảng 70 - 80 ngàn đồng, giờ đến hàng trăm. Ốc xà cừ là loại ốc mắc nhất, 2 - 3 trăm ngàn đồng/kg, giờ từ 1 - 2 triệu đồng/kg, vài trăm ngàn 1 con”. Ngày nay, khách du lịch rất ưa chuộng món ốc hải sản. Vì vậy, người dân đã thi nhau khai thác ốc vô tội vạ, dẫn đến nguồn ốc tự nhiên ngày một cạn kiệt, cũng từ đó ốc mắc lên hàng ngày. Giờ không có thị trường, vỏ ốc trong sân nhà chị bỗng trở nên thừa. Chị tâm sự: “Kiếm được đầu ra không dễ chút nào. Mấy công ty, DN nước ngoài cũng hứa với tỉnh đầu tư máy móc thiết bị sản xuất, đặt hàng thu mua MNHS. Họ đã vẽ ra một tương lai tươi sáng. Nhưng trước tiên, họ yêu cầu được xem mẫu mã của mình, rồi đưa mẫu mã của họ bắt mình phải làm thử xem có đạt tiêu chuẩn không. Ở bên đó, họ chủ yếu chế tạo sản phẩm bằng máy móc. Vì thế, có nhiều mẫu đòi hỏi bàn tay khéo léo và kỹ thuật, thì họ vẫn chưa làm được. Khi đối tác yêu cầu làm từng công đoạn chế tạo cho họ xem, gia đình mình không chịu. Nhưng tỉnh yêu cầu phải làm vì tương lai của cả tỉnh, do vậy mình phải đành chấp nhận. Sau khi xem xong, họ hứa hẹn đủ điều sẽ đầu tư các trang thiết bị hiện đại để khôi phục ngành nghề truyền thống này. Thế nhưng, khi về nước họ bặt tăm luôn. Vậy là tất cả mẫu mã mình sáng tạo, bí quyết chế tạo đã bị họ “ăn cắp” hết. Bây giờ mỗi lần có khách đòi xem mẫu mã sản phẩm, gia đình nhất quyết không đem ra”. Hiện nay, gia đình chị Mỹ - Ngọc tạm thời bán tranh để sống qua ngày.
Được biết, thời gian qua tỉnh cũng đã có nhiều cuộc họp tìm giải pháp khôi phục các ngành nghề truyền thống. Nhưng hầu như chưa đề cập đến ngành nghề MNHS. Chị Mỹ cho biết, chỉ cần tỉnh khôi phục lại nghề này và tiếp cận được thị trường xuất khẩu thì trong 2 tháng thôi, gia đình chị có thể tiếp tục hoạt động trở lại bình thường. Và số vỏ ốc trong sân nhà chị có thể sản xuất đến 10 năm. Song ước muốn vẫn chỉ là ước muốn. Ngành nghề truyền thống MNHS đang rơi vào bế tắc và sống thoi thóp dưới sự cạnh tranh của các mặt hàng mỹ nghệ khác. Nhiều người đã đặt vấn đề mua ốc của gia đình chị Mỹ nhưng gia đình không bán, bởi biết đâu nghề này đến một ngày nào đó sẽ tái sinh? Quả thật là đáng tiếc nếu một ngày nào đó Nha Trang không còn các mặt hàng MNHS, một nghề đặc trưng của thành phố biển. Vậy khi nào nghề thủ công MNHS Khánh Hòa mới tìm được lối ra? Bao giờ nghề truyền thống này ở Nha Trang được khôi phục?
HÀ YÊN