08:07, 11/07/2003

Trồng lục trúc hướng đi mới cho người dân Khánh Sơn?

Tôi đến Hội Nông dân Khánh Sơn mong tìm kiếm những thông tin nào khác ngoài mía và chuối - những loại cây trồng đã quá quen thuộc với bà con. Anh Chính - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện “bật mí” cho tôi một mô hình mới đang được triển khai trên địa bàn huyện là trồng tre lấy măng nằm trong dự án đa dạng hóa nông nghiệp của tỉnh.

Tôi đến Hội Nông dân Khánh Sơn mong tìm kiếm những thông tin nào khác ngoài mía và chuối - những loại cây trồng đã quá quen thuộc với bà con. Anh Chính - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện “bật mí” cho tôi một mô hình mới đang được triển khai trên địa bàn huyện là trồng tre lấy măng nằm trong dự án đa dạng hóa nông nghiệp của tỉnh. Theo anh Phạm Văn Sửu, Phó phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Địa chính huyện thì dự án trồng tre lấy măng chỉ mới thực hiện từ cuối năm 2001 và đang ở giai đoạn thí điểm. Đến nay mới chỉ có 4 hộ áp dụng mô hình này với tổng diện tích cho mỗi hộ là 1 ha ở Sơn Trung, Sơn Lâm, Ba Cụm Bắc và thị trấn Tô Hạp. Tuy đang ở giai đoạn thí điểm nhưng đây là mô hình được đánh giá rất có triển vọng.

Theo chỉ dẫn của anh Chính, tôi tìm đến nhà ông Trần Xuân Bích, ở khóm 3, thị trấn Tô Hạp. Ông Bích là người đầu tiên thực hiện thí điểm dự án trồng tre lấy măng. Bước đột phá đầu tiên là ông đã mạnh dạn chặt hết vườn đào đã dày công trồng từ năm 1987 để trồng tre khi mà chưa biết hiệu quả kinh tế của nó ra sao. Tháng 11-2001, với số vốn đầu tư ban đầu là 5 triệu đồng, trong đó ông bỏ ra 50%, nông nghiệp hỗ trợ 50%, ông đã mua về 200 gốc tre, mỗi gốc 25.000 đồng. Được biết, loại tre này có xuất xứ từ Đài Loan, được nhân giống ở đồng bằng sông Cửu Long và còn có tên gọi là cây lục trúc. 200 gốc tre ông Bích vận chuyển từ Đồng Nai về, trừ 4 - 5 gốc chết do đường vận chuyển quá dài, số còn lại cho đến bây giờ vẫn phát triển tốt. Ông Bích cho biết: Cây lục trúc thuộc giống cây lâm nghiệp nên rất thích hợp với đất đai và khí hậu ở Khánh Sơn, do vậy có nhiều ưu điểm như chịu được hạn, dễ trồng, công đoạn chăm sóc ít, hiệu quả lại cao, cho măng quanh năm. Một năm chỉ cần làm cỏ, bón phân một lần là được. So với cây mía thì có ưu thế hơn hẳn.

Tôi theo ông ra vườn. Trồng xen kẽ với lục trúc còn có nhiều loại cây ăn quả khác như dứa, cam…, cũng là để lấy ngắn nuôi dài. Ông chỉ cho tôi một bụi lục trúc đã ra được 7 búp măng. 7 - 8 búp là chuyện thường, có bụi cho đến 10 - 12 búp, mỗi búp nhiều khi nặng từ 3 - 4kg. Cho đến nay ông đã thu hoạch 2 lần, giá bán trung bình 8.000 đồng/kg, được giá thì 11 - 12.000 đồng/kg. Những búp măng nhú khỏi mặt đất khoảng 15 - 20cm là thu hoạch được. Thường thì lần thu hoạch nào ông cũng để lại vài búp cho nó mọc lên thành bụi. Kinh nghiệm cho thấy, nếu muốn cho măng đạt năng suất cao hơn thì nên trồng ở nơi ẩm ướt vì lục trúc có đặc điểm ưa nước; hơn nữa, trồng ở đất bằng có khả năng sẽ tốt hơn là ở đất đồi. Măng của lục trúc có màu trắng, luộc lên có vị ngọt, giòn, không đắng như măng tre. Ông ước tính 200 bụi sẽ cho 5 tạ măngï/năm. Phấn khởi nhất là hiện đã có nhiều hợp tác xã nông nghiệp, Hội Nông dân đã đưa bà con đến đây tham quan. Tiếng thơm đồn xa, có hộ từ Nha Trang lên ngỏ ý đặt mua 100 gốc để thí điểm trồng ở Khánh Vĩnh. Bên cạnh đó, trong vòng 20 ngày, từ 16-6 đến 7-7, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến lâm tỉnh đã tổ chức 4 lần tập huấn cho bà con chiết cành, giâm cành để nhân giống cũng như hướng dẫn bà con cách thu hoạch măng. Dự kiến năm nay sẽ bắt đầu ươm giống cho bà con. Bản thân ông cũng đã chiết thí điểm 60 - 70 gốc, mỗi cành được chiết cho 3 - 4 cây mới. Ông cũng dự tính nhân rộng ra đất bằng để thu được năng suất cao hơn.

Hy vọng dự án trồng tre lấy măng sẽ đem đến cho bà con nông dân Khánh Sơn một hướng đi mới. Tuy vậy, vẫn còn điều trăn trở, đó là đầu ra của măng. Nhân rộng mô hình đồng nghĩa với việc nhân rộng đầu ra, do đó vấn đề tìm được nơi tiêu thụ không phải đơn giản. Nhưng dù có thế nào thì cũng có thể khẳng định hiệu quả bước đầu về kinh tế của dự án trồng tre lấy măng. Và biết đâu đấy lại là sự lựa chọn cho tương lai trong mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân Khánh Sơn.

BÍCH THUẦN