03:07, 02/07/2003

Quả ngọt trên vùng đất khô cằn

Ngày anh đến thành lập trang trại, không ít người chế giễu, cho rằng anh là người “ấm đầu” hay sao mà lại đổ tiền vào vùng đất khô cằn sỏi đá này, đến nỗi cây mì cũng không sống nổi. Theo thời gian, mải mê với công việc, đôi tay anh dần chai sần, da đen sạm. Rồi như trong chuyện cổ tích, khu đất bạc màu xưa kia nay đã thay da đổi thịt, trở thành trang trại với nhiều loại cây ăn quả có giá trị.

Anh Thuận với vườn cây sầu riêng đang ra trái bói.

Ngày anh đến thành lập trang trại, không ít người chế giễu, cho rằng anh là người “ấm đầu” hay sao mà lại đổ tiền vào vùng đất khô cằn sỏi đá này, đến nỗi cây mì cũng không sống nổi. Theo thời gian, mải mê với công việc, đôi tay anh dần chai sần, da đen sạm. Rồi như trong chuyện cổ tích, khu đất bạc màu xưa kia nay đã thay da đổi thịt, trở thành trang trại với nhiều loại cây ăn quả có giá trị.

Tôi và các anh trong Hội Nông dân huyện Diên Khánh đến thôn Đảnh Thạnh, một vùng đất xưa kia bỏ hoang, nay đã mọc lên không ít trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Chúng tôi đến thăm trang trại trồng cây ăn quả của vợ chồng anh Nguyễn Thành Thuận. Anh đang tất bật với công việc, nhưng rất vui. Dừng tay, anh dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả gồm: Buởi, sầu riêng, nhãn, xoài… đang trong thời kỳ thu hoạch. Anh cười và nói: “Trang trại của tôi là trang trại tổng hợp, trồng rất nhiều loại cây: Chuối, nhãn, xoài, bưởi, cam, sầu riêng, chanh… nên nếu mất giá cây này còn có cây khác bù lại, không lỗ!”

Mới đây mà trang trại của anh đã được 4 năm. Bản thân anh không phải là dân làm nông thứ thiệt, bởi quê chính của anh ở xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang. Sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự, anh lập gia đình. Vợ anh, chị Hồ Thị Quỳnh Hoa, kém anh 6 tuổi, cũng là dân buôn bán, chưa bao giờ cầm lấy cây cuốc. Cùng chung một ý tưởng phát triển kinh tế gia đình từ kinh tế vườn, anh chị đã quyết giã từ quê hương ra đi lập nghiệp.

Anh kể lại, ngày mới lên, đây là vùng đất hoang, ít bóng người, hiu quạnh, xa khu vực dân cư đã đành mà đất sỏi đá, cằn cỗi, khô hạn đến nỗi trồng cây chịu hạn như cây mì mà cũng không sống được. Thấy vậy, vợ anh cũng nản chí. Anh phải mất cả tháng trời động viên vợ khắc phục khó khăn. Cuối cùng, chị cũng đồng ý ở lại. Đồng vợ đồng chồng, thế là vợ chồng anh chị gom góp vốn từ nhiều nguồn được 50 triệu đồng, đủ mua lại 3 ha đất đồi gò bạc màu. Có đất, vợ chồng anh suốt ngày quần quật với khu vườn, cải tạo đất bằng rơm mục, phân chuồng. Sau đó tìm cây giống về trồng. Nhờ sự hướng dẫn của các cán bộ ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vợ chồng anh lặn lội vào miền Nam mua cây giống. Ban đầu, anh Thuận trồng 300 cây bưởi Năm Roi và bưởi mật xen kẽ với 200 gốc sầu riêng. Khu vực phía sau khu vườn, anh trồng 50 gốc xoài và hơn 10 gốc nhãn. Trang trại của anh trồng cây ăn quả lâu năm xen lẫn với các loại cây ăn quả ngắn hạn như đu đủ, ổi, chuối, chanh, mãng cầu ta… vừa giữ độ ẩm cho đất, vừa có thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Nhớ lại những ngày khó nhọc đã qua, anh kể: “Có làm kinh tế trang trại mới thấy được nỗi khổ của kinh tế trang trại, người ngoài không hiểu đâu! Vừa chạy vốn đầu tư, vừa phải lo nguồn nước tưới. Cũng may, sẵn có con suối chảy qua phía Tây khu vườn, tôi phải thắt lưng buộc bụng bỏ ra 30 triệu đồng đào hồ chứa nước sâu 8m nằm ở giữa khu vườn. Vợ chồng tôi chỉ việc dùng máy bơm nước tưới cây”.

Có nước, cây bắt được phân, cộng với có rơm luôn ủ dưới gốc cây, giữ độ ẩm nên cây chóng lớn, nhanh có quả. Do điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng khác xa so với miền Nam nên cây sầu riêng rất khó trồng, phải chăm sóc rất kỹ, bón phân không được quá mức, phải theo từng độ tuổi của cây, nếu không cây sẽ không có trái. Bây giờ, trang trại đã ổn định, cây lâu năm bắt đầu ra trái bói. Vụ buởi năm nay, tuy mới bán đợt đầu, gia đình anh đã thu về khoảng 40 triệu đồng. Cam sành năm nay rất sai quả, bán được giá, thu nhập được 40 triệu đồng. Cộng với tiền bán gà ta khoảng 100 con, sau 4 năm gầy dựng, đến nay trang trại của anh thu được gần 100 triệu đồng.
Đi dưới khu vườn cây xanh sum suê trái ngọt, vợ anh khoe với tôi đã có không ít Việt kiều đến thăm khu vườn của chị. Rất thích, có người đã trả giá mua trang trại của chị tới… gần 1 tỷ đồng. Sầu riêng năm nay có giá, khoảng 10 nghìn đồng/kg. Cao chưa đầy 3m, nhưng 200 gốc sầu riêng của anh Thuận đã ra trái bói. Mỗi cây hiện đậu ít nhất trên 10 quả. Theo kinh nghiệm từ các nhà vườn, sầu riêng muốn sai trái trồng ít nhất cũng từ 5 năm trở lên. Nhìn những cây bưởi, sầu riêng đang ra hoa, kết trái, tôi thầm mong chỉ vài năm nữa, trang trại của anh chị sẽ bội thu, sản phẩm có giá, để cho mọi người thưởng thức hoa thơm, trái ngọt.

TRUNG HÙNG