08:07, 19/07/2003

Chuyện những người thổi hồn vào ốc biển

Gần chục năm nay, mành ốc từ hẻm Tây Hải (Trần Phú - Vĩnh Nguyên) đã đến với nhiều nước trên thế giới. Mành ốc Vĩnh Nguyên được làm từ ốc ruốc với màu tự nhiên sẵn có (chỉ có màu trắng là màu nhân tạo) ...

Chị Trần Thị Huy Tự.

° Gần chục năm nay, mành ốc từ hẻm Tây Hải (Trần Phú - Vĩnh Nguyên) đã đến với nhiều nước trên thế giới. Mành ốc Vĩnh Nguyên được làm từ ốc ruốc với màu tự nhiên sẵn có (chỉ có màu trắng là màu nhân tạo). Khó có ai biết được rằng chị Trần Thị Huy Tự, bà chủ của 8 tấn ốc thành phẩm mỗi tháng bây giờ đã khởi nghiệp từ 1 triệu đồng tiền vay của Hội Phụ nữ. Chỉ với nỗi lo phải trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn mà chị hạ quyết tâm, và đã thành công.

“Người làng biển hiểu chuyện biển mà!” - chị cười hồn nhiên khi tôi hỏi về những con ốc biển và sự gắn bó của nó với đôi tay của phụ nữ miền biển. Mỗi tháng có 8 ngày, ốc ruốc đến với con người trong thời điểm con nước cạn nên phải nhanh thoăn thoắt đôi bàn tay để cào ốc làm mành. 8 năm chị Tự khởi nghiệp cũng là 8 năm chị em làng biển gắn bó với công việc làm mành ốc. Cả phường đang yên ắng bỗng nhộn nhịp tiếng đục vỏ ốc, xâu ốc, đóng gói ốc như một khu công nghiệp nho nhỏ, nhộn nhịp nhưng đủ nghe tiếng rì rầm của biển. Những chiếc mành ốc ra đời đều phải qua nhiều công đoạn với bao công sức như: đào hố ủ ốc để các vi khuẩn ăn ruột ốc, rửa sạch ốc, phơi khô, đục lỗ, xâu chuỗi, kết rèm, đóng gói.Ý tưởng những bức tranh trên mành ốc đến với chị tình cờ từ sách, báo, tivi và đôi khi cả trong giấc ngủ. Chị nhờ hoạ sĩ vẽ những ý tưởng theo kích thước mành ốc và từ một bản ban đầu chị làm ra thành nhiều bức để hướng dẫn cho chị em phụ nữ trong xóm.

Công việc gia công làm mành ốc bây giờ đã lan từ đất liền ra cả làng đảo Bích Đầm, Vũng Me, Trí Nguyên… và đến cả Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 ở Phước Đồng. Mỗi tháng chị cùng gia đình và làng mành ốc sẽ xuất đi khoảng 800 - 1.000 mành ốc. Thu nhập của mỗi một người gia công sản phẩm mành ốc khoảng từ 300.000 - 900.000 đồng/tháng.

Tháng hạ, những cơn gió dường như đi vắng. Căn nhà nhỏ của chị Trần Thị Huy Tự trong con hẻm nhỏ phường Vĩnh Nguyên nồng nàn hương vị biển còn sót lại trên những tác phẩm từ vỏ ốc. Buổi chiều, chị Tự từ trong xóm đi về trên vai vác nặng những mành ốc đã được đóng gói. Cuối tháng này, 1.000 mành ốc nữa sẽ được đi đến nhiều nơi. Trong những tấm rèm chị mang về có những tác phẩm của chị em Trại 05-06 mà chị luôn cảm thấy đó là niềm an ủi cho những cố gắng của mình trong cuộc sống riêng tư và cả nỗi lo cho những chị em còn khó khăn xung quanh mình.

Chị Hàn Thị Nga.

° Câu chuyện của chị Hàn Thị Nga, chủ sản xuất hàng mỹ nghệ bằng vỏ ốc, vỏ tôm ở 40/1 Trần Phú, Vĩnh Nguyên thì khác hẳn, vì đối với chị, gắn mình với Nha Trang và với ốc biển hoàn toàn là do duyên nợ. Chị là con gái Hải Phòng nhưng theo chồng vào Nha Trang lập nghiệp. Khi đứa con gái đầu lòng ra đời, quyết định bằng mọi giá phải tìm cho mình một nghề thực sự, chị đã cùng chồng về Hải Phòng học nghề làm ốc từ chú em rể, vì để ý thấy du khách đến Nha Trang luôn thích mua những chiếc giỏ bằng mây, những con ốc nghộ nghĩnh… Chị cứ tưởng Nha Trang có nhiều hải sản sẽ có nhiều vỏ ốc cho mình làm nhưng tìm đúng loại sò huyết để làm chó Nhật không phải là dễ. Chị phải tốn rất nhiều công để đến các cửa hàng ăn, chợ các huyện để tìm mua nhưng không được nên lại phải lặn lội ra tận Hải Phòng, Quảng Ninh để mua. Nghêu to để làm đế cũng hiếm, hai vợ chồng chị đã vào Cam Ranh, đến cửa hàng ăn uống Ngọc Sơn chuyên bán hải sản để tìm và phải bới đất để đào lên mang về. Tiếp sau đó, chó Nhật, khủng long, chim công, trâu, nụ hoa từ vỏ ốc… đã từ từ được nở ra theo những tìm tòi như thế. Hiện tại, chị có 4 công nhân nữ và 2 công nhân nam phụ việc nhưng công việc dường như lúc nào cũng bận rộn. Mặt hàng của chị đa dạng về mẫu mã và sinh động nên đã đậu lại ở Vũng Tàu, Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh và các cửa hàng ở Nha Trang như những tác phẩm nghệ thuật thứ hai của biển bên cạnh tác phẩm tự nhiên xanh thẳm. 38 tuổi, chị Nga mỉm cười khi nói về mơ ước rất thật của mình: một ngôi nhà mới và khang trang trên chính mảnh đất ngôi nhà cũ để mở rộng sản xuất. Có khá nhiều khách du lịch đi ngang qua căn nhà đầy vỏ ốc của chị đã tò mò, cúi mình đi vào trong căn nhà bề bộn và đứng ngắm những công nhân làm tác phẩm từ vỏ ốc, rồi ngạc nhiên đến lạ lùng. Còn chị cảm thấy ngạc nhiên thích thú như một bé thơ khi nhìn cảnh đó.

Vừa qua, cả hai chị đều được chọn làm gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của thành phố. Kiếp ốc đã đổi nhờ vào đôi bàn tay và khối óc của những người dám nghĩ dám làm.

KIM TRANG