08:07, 11/07/2003

Chương trình kinh tế biển những kết quả bước đầu

Khánh Hòa là một trong những tỉnh có nhiều lợi thế về tài nguyên biển. Các đảo ven bờ, nhiều cảng biển và nhiều vịnh như: Cam Ranh, Vân Phong, Nha Trang, đầm Nha Phu, Thủy Triều là những vị trí hết sức thuận lợi cho nghề cá ven bờ, phát triển du lịch và giao thông đường thủy. Khánh Hòa lại được quản lý, khai thác quần đảo Trường Sa, một vùng biển đầy tiềm năng và triển vọng để vươn ra làm chủ biển khơi...

Bè nuôi tôm hùm lồng tại vùng biển xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.

Bờ biển tỉnh Khánh Hòa tính theo mép nước có độ dài 385km. Toàn tỉnh có 45 xã phường tiếp giáp biển ở các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, TP. Nha Trang và thị xã Cam Ranh. Diện tích tự nhiên của các đảo ven bờ xấp xỉ 100km2. Các xã, phường tiếp giáp biển có tổng diện tích 1.154,2km2, dân số 448.535 người.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh có nhiều lợi thế về tài nguyên biển. Các đảo ven bờ, nhiều cảng biển và nhiều vịnh như: Cam Ranh, Vân Phong, Nha Trang, đầm Nha Phu, Thủy Triều là những vị trí hết sức thuận lợi cho nghề cá ven bờ, phát triển du lịch và giao thông đường thủy. Khánh Hòa lại được quản lý, khai thác quần đảo Trường Sa, một vùng biển đầy tiềm năng và triển vọng để vươn ra làm chủ biển khơi.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã xác định kinh tế biển đảo là một mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh. Tỉnh ủy đã xây dựng thành chương trình kinh tế trọng điểm, đó là Chương trình kinh tế biển giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2010. Mục tiêu tổng quát của chương trình là tập trung đầu tư tạo bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế biển, đạt mức tăng trưởng bình quân 15 - 20%/năm, nâng tỷ trọng đóng góp của các ngành kinh tế biển trong tổng GDP của tỉnh (đến năm 2005 là 20 - 30%, đến 2010 là 30 - 40%), tăng nhanh tỷ lệ tích lũy cho nền kinh tế của tỉnh. Đồng thời, đổi mới cơ cấu kinh tế vùng biển và ven biển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển với củng cố quốc phòng và an ninh; phát triển kinh tế biển với bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái; phát triển đồng bộ các ngành với tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình này đến năm 2010 hơn 4.000 tỷ đồng.

Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình, các giải pháp được đề ra là thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, đầu tư tạo nguồn nhân lực, phương tiện cho các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý biển, huy động tối đa nguồn vốn trong dân, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện chương trình… kết hợp tốt việc phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng an ninh biển đảo. Qua hai năm thực hiện, chương trình đã thu được một số kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Với việc tăng đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng một số nhà máy chế biến hải sản, sản lượng năm 2001 đạt 78.300 tấn, năm 2002 đạt 82.300 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2001 đạt hơn 1.149,5 tỷ đồng, năm 2002 đạt 1.048 tỷ đồng, doanh thu vận tải biển đạt 11,665 tỷ đồng; sản lượng muối đạt 90.000 tấn; khai thác yến sào 1.962kg. Hoạt động trung chuyển xăng dầu tại vịnh Vân Phong năm 2002 thu hơn 400 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước từ tiền thuế nhập khẩu xăng dầu. Các dự án đầu tư, mở rộng và hiện đại hóa các cảng biển và các khu du lịch biển đảo đã và đang được triển khai. Năm 2002 có 562.000 khách du lịch tuyến biển đảo, doanh thu du lịch biển đạt 110 tỷ đồng.

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, tiềm năng nguồn lợi thủy sản phong phú, có sự định hướng đúng đắn của tỉnh và sự góp sức của trường Đại học Thủy sản Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Trung tâm Nghiên cứu thủy sản III… các ngành kinh tế biển như khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, du lịch, dịch vụ biển của Khánh Hòa phát triển nhanh và khá vững chắc.

Một số tập thể điển hình có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế biển đảo như: Trường Đại học Thủy sản Nha Trang; Cục Hải quan tỉnh; Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Nha Trang; Công ty Du lịch Long Phú (thuộc Tổng Công ty Khánh Việt)… Một số địa phương tận dụng đất hoang ven biển, ven sông, đất nhiễm mặn nuôi trồng thủy sản tốt như: Xã Cam Thịnh Đông, phường Cam Lập (Cam Ranh); xã Vạn Thọ (Vạn Ninh); xã Ninh Giang, Ninh Thọ, Ninh Lộc, Ninh Ích (Ninh Hòa). Xã đảo Ninh Vân (Ninh Hòa) có nhiều thành tích trong xóa đói giảm nghèo và vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang) có nhiều tiến bộ trong các hoạt động khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch và gần đây phát triển nuôi tôm hùm lồng. Toàn tỉnh, trên lĩnh vực thủy sản, năm 2002 có 336 cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi được tỉnh khen. Tiêu biểu như ông Mai Xuân Hùng, nông dân xã Cam Hòa (Cam Ranh) có thành tích trong nghề nuôi tôm sú xuất khẩu, được báo cáo điển hình tại Hội nghị nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 2; các ông Nguyễn Hải Ngọc - phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang), Bùi Văn Rồi - xã Vạn Lương (Vạn Ninh), Phạm Văn Kỹ - xã Ninh Hà (Ninh Hòa), Nguyễn Văn Nhường - xã Cam Bình (Cam Ranh)…

Bước đầu thực hiện Chương trình kinh tế biển, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế như việc quản lý khai thác tài nguyên biển còn nhiều yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của ngành kinh tế biển. Tình trạng mở rộng diện tích nuôi trồng, khai thác bằng chất nổ, xung điện, các hoạt động dịch vụ tự phát đã vi phạm các quy định bảo vệ rừng ngập mặn phòng hộ, nguồn lợi thủy sản và môi trường mà chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để. Cũng như các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm khác của tỉnh, công tác dự báo, xây dựng các mục tiêu còn mang tính chủ quan. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thiếu, lại bị co kéo và chưa làm tốt việc thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa đồng bộ, có lúc khoán trắng cho ngành chủ quản. Công tác chỉ đạo điều hành còn bất cập, còn tình trạng chờ đợi, đùn đẩy…

Hai năm thực hiện trong tổng thời gian của Chương trình là 5 năm, 10 năm và trong tổng thể 18 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, mới chỉ là khúc dạo đầu, bước khởi đầu. Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển với tốc độ cao, Chương trình kinh tế biển đòi hỏi Ban chủ nhiệm chương trình phải thường xuyên chỉ đạo, khâu nối tổ chức thực hiện; các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực phấn đấu, phối hợp đồng bộ, thực hiện đạt được mục tiêu của chương trình đã đề ra.

ĐINH HỮU LẠC