10:06, 13/06/2003

Xuất khẩu lao động: Cơ hội và thách thức

Theo đề án xuất khẩu lao động (XKLĐ) giai đoạn 2003 - 2005 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB - XH) lập, đến năm 2005 Khánh Hòa sẽ phấn đấu xuất khẩu 1.600 lao động, riêng năm 2003 là 400 lao động sang thị trường lao động các nước châu Á. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao như hiện nay thì dự án này như một tín hiệu tốt, mở ra một kênh chính thống, tạo thêm động lực mới cho người lao động (NLĐ) ở tỉnh ta. Tuy nhiên, rất nhiều thách thức đang chờ ở phía trước…

Phân xưởng thành phẩm dây khóa kéo Công ty Cổ phần Phụ liệu may Nha Trang.

Theo đề án xuất khẩu lao động (XKLĐ) giai đoạn 2003 - 2005 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB - XH) lập, đến năm 2005 Khánh Hòa sẽ phấn đấu xuất khẩu 1.600 lao động, riêng năm 2003 là 400 lao động sang thị trường lao động các nước châu Á. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao như hiện nay thì dự án này như một tín hiệu tốt, mở ra một kênh chính thống, tạo thêm động lực mới cho người lao động (NLĐ) ở tỉnh ta. Tuy nhiên, rất nhiều thách thức đang chờ ở phía trước…

° Xuất khẩu lao động… cánh cửa đang rộng mở

Theo kết quả điều tra lao động - việc làm (nguồn: Sở LĐTB - XH) hiện nay ở tỉnh ta, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn còn ở mức 5,22% và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn là 77,91% trong tổng số 634.555 lao động trong độ tuổi. Đáng chú ý ở khu vực nông thôn, lao động đủ 15 tuổi trở lên hiện có 336.054 người, trong đó 17.328 người không biết chữ (chiếm 5,16%). Những năm gần đây, triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở địa phương. Nhờ đó đã tạo việc làm mới, giải quyết việc làm cho NLĐ bình quân mỗi năm khoảng 22.000 người. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp và trình độ như trên thì vấn đề giải quyết công ăn việc làm với thu nhập cao cho một đội ngũ lao động dư dôi hiện có là khó có thể. Vì vậy, XKLĐ được xem là giải pháp hữu hiệu nhất, phù hợp với quy luật của phân công lao động quốc tế; đồng thời đem lại lợi ích cho cả nước xuất khẩu và nhập khẩu lao động.

Trong cuộc họp về Đề án XKLĐ ngày 26-5-2003 của UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2005 Khánh Hòa sẽ phấn đấu xuất khẩu 1.600 lao động và đến năm 2010 đạt 4.000 lao động, riêng năm 2003 là 400 lao động sang thị trường lao động các nước châu Á, trong đó tập trung cho thị trường Malaysia là chủ yếu. Bình quân mỗi năm xuất khẩu từ 533 lao động trở lên, trong đó có 50% lao động thuộc diện hộ nghèo, chính sách.

Đề án XKLĐ giai đoạn 2003 - 2005 mà Sở LĐTB - XH lập kế hoạch tập trung chủ yếu là đưa lao động của tỉnh đi làm việc tại Malaysia. Bởi lẽ, ngày 6-2-2002, Chính phủ Malaysia đã công bố chủ trương mở cửa thị trường cho lao động Việt Nam và không ấn định số lượng lao động đến làm việc. Theo dự báo, từ 10 - 20 năm tới, Malaysia là thị trường có nhu cầu lớn về sử dụng lao động nước ngoài trong nhiều lĩnh vực tại khu vực Đông Nam Á với số lượng không dưới 1 triệu lao động mỗi năm. Năm 2002, trong chương trình thí điểm, Bộ LĐTB - XH đã đưa hơn 20.000 lao động trong nước sang làm việc tại Malaysia, trong đó có 18 lao động của Khánh Hòa. Malaysia có khí hậu, môi trường sống và làm việc tương tự như Việt Nam. Đặc biệt, yêu cầu về trình độ nghề nghiệp và chuyên môn của Malaysia phù hợp với một bộ phận lao động Việt Nam. Và hiện tại, có 3 công ty chuyên XKLĐ là Công ty TRAENCO (Bộ Giao thông vận tải), Công ty XKLĐ và chuyên gia TP. Hồ Chí Minh (Sở LĐTB - XH TP. Hồ Chí Minh), Công ty Thương mại và XKLĐ - chuyên gia (Bộ LĐTB - XH) sẵn sàng đáp ứng nhu cầu XKLĐ của Khánh Hòa. Đây là cơ hội tốt cho NLĐ nghèo, thiếu việc làm tại địa bàn nông thôn trong tỉnh. So với thị trường lao động ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc thì sức hấp dẫn ở thị trường Malaysia chưa cao do thu nhập của NLĐ còn thấp. Nhưng bù lại, họ nhận lao động nhiều nên lao động nông thôn ở ta có cơ hội đi nhiều hơn.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, ông Hồ Viết Tiến Sơn cho biết, điều kiện để được sơ tuyển khá đơn giản. Lao động nam, nữ tuổi từ 21 đến 35, có đủ sức khỏe, văn hóa từ lớp 6 trở lên, có nghề được ưu tiên hơn. Khi đã được tuyển chọn đi làm việc, NLĐ sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí giáo dục định hướng và đào tạo nghề ngắn hạn. Riêng NLĐ thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách được hỗ trợ 100% chi phí trên. 18 lao động sang làm việc tại Malaysia từ năm 2002 cũng đã được học căn bản về luật pháp và phong tục tập quán của Malaysia, ý thức và kỷ luật lao động, học tiếng Malaysia hoặc tiếng Anh để có khả năng giao tiếp thông thường… Theo ông Sơn, nếu trước khi sang làm việc ở nước ngoài, lao động Việt Nam nào cũng tiếp thu những kiến thức căn bản tốt, có ý thức kỷ luật, có tay nghề thì sẽ không thua kém gì lao động nước ngoài và tiền lương sẽ cao hơn mức lao động phổ thông. Thời hạn làm việc tại Malaysia là 3 năm. Sau 3 năm, nếu phía chủ Malaysia có yêu cầu và NLĐ đồng ý thì hợp đồng sẽ được ký tiếp. Tuy nhiên, lúc này thì thu nhập của NLĐ đã cao hơn vì không phải đóng phí cho công ty XKLĐ dù vẫn thuộc quyền quản lý của công ty. Còn thu nhập trong thời gian 3 năm đầu thì sao? Ông Sơn cho biết, Malaysia không quy định mức lương tối thiểu. Mức lương của lao động tùy thuộc vào từng ngành nghề và sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ theo sự điều tiết của thị trường. Trong năm đầu tiên, nếu làm việc trong các nhà máy sản xuất chế tạo thì mức lương tối thiểu là 18RM = 72.000 đồng/ngày, 1.872.000 đồng/tháng. Mỗi ngày có thể làm thêm 2 giờ và mỗi giờ làm thêm được tính 1,5 lần giờ làm việc trong ngày. Nếu tính cụ thể thì tiền lương của một công nhân ở mức tối thiểu là: (72.000đ + 2giờ x 1,5 x 9.000đ/giờ) x 26 ngày = 2.574.000đ/tháng thực lãnh. Ngoài ra, cứ sau 3 tháng, tùy vào khả năng làm việc, doanh nghiệp sẽ xem xét để nâng lương. Ngoài ra ở Malaysia, NLĐ nước ngoài được chủ sử dụng lao động đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của pháp luật Malaysia. Hiện nay có nhiều lao động Việt Nam làm việc tốt đã có thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Mức lương này quả là hấp dẫn.

Có thể nói, trong công tác XKLĐ, đây là lần đầu tiên tỉnh ta có một đề án cụ thể, chi tiết, tạo ra một kênh chính thống bảo đảm cho NLĐ trong tình trạng còn rất nhiều lao động bị lừa đảo, chèn ép, bỏ trốn… ở nước ngoài. Malaysia đang chú ý đến thị trường lao động Việt Nam, do vậy vấn đề quan trọng là công tác đào tạo phải tốt, NLĐ đạt yêu cầu. Từ kinh nghiệm làm ăn với Malaysia, chúng ta sẽ tìm kiếm mở rộng thị trường XKLĐ sang các nước khác, tạo thêm công ăn việc làm cho NLĐ trong tỉnh.

Lý thuyết là vậy. Thế nhưng trên thực tế, để có được mức thu nhập hấp dẫn như các công ty môi giới tuyển dụng lao động thường quảng cáo, NLĐ và cả chính quyền địa phương đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức?

° "Xuất" không dễ

Theo ông Hồ Viết Tiến Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, hiện nay vấn đề khó khăn nhất của việc XKLĐ là làm thế nào để NLĐ nắm bắt được nhiều thông tin về thị trường XKLĐ và tin tưởng vào kênh XKLĐ chính thống này của địa phương. Hiện nay, những thông tin NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bị lừa, bỏ trốn… đã làm chùn chân nhiều người có ý định đi XKLĐ. Ngoài ra, một suất đi XKLĐ tại Nhật hiện nay có tổng chi phí khoảng 120 - 140 triệu đồng; đi Đài Loan khoảng 54 triệu đồng; đi Malaysia rẻ nhất khoảng gần 18 triệu đồng. Để “đi Nhật, Đài Loan hoặc Malaysia" với mức phí cao như vậy thì NLĐ lấy đâu ra tiền để đi? Đây là vấn đề đau đầu mà bất cứ NLĐ nào cũng đụng phải khi tính đến chuyện đi XKLĐ. Vay tiền ngân hàng thì NLĐ ở nông thôn không có điều kiện, vì vay nhiều thì phải có tài sản thế chấp theo quy định của ngân hàng. Còn vay ngoài thì lãi cao, chưa kể những "hậu quả" phát sinh ngoài ý muốn.

Trường hợp của chị P.T.G.T ở Cam Ranh là một điển hình. Để có được “chân” giúp việc với mức lương 400 USD/tháng cho một gia đình ở Đài Loan, chị G.T đã phải lâm vào tình trạng mắc nợ đến khó trả. Đầu tiên, chị G.T phải vay “nóng” 15 triệu đồng của một người hàng xóm với lãi suất 1%/tháng để nộp cho một công ty môi giới ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng số tiền này mới chỉ giúp chị đến được Đài Loan. Sau đó, để được giới thiệu vào một gia đình người Đài Loan làm công việc "ôsin", chị G.T phải trả 350 USD nữa cho một tổ chức môi giới lao động khác ở Đài Loan. Trước khi rời quê hương đến Đài Loan làm việc, chị G.T rất phấn khởi với viễn cảnh tốt đẹp nơi đất khách quê người mà công ty môi giới đã vẽ lên cho chị. Cho dù không biết tiếng địa phương, không hiểu tính cách con người Đài Loan, không biết thực tế sẽ ra sao nhưng cứ nghĩ đến mức lương 400 USD/tháng sẽ giúp gia đình mình thoát khỏi cơ cực là chị G.T lại háo hức chờ ngày lên đường, không một chút nghi ngờ. Nhưng khi đến Đài Loan làm việc, chị G.T mới vỡ lẽ mình bị lừa. Mức lương chị được nhận hàng tháng chỉ có 200 USD, sau khi trừ đi các chi phí, chị gần như chẳng còn gì. Chưa kể chị và một số cô gái người Việt khác bị chủ lợi dụng, ngược đãi… Chị G.T nói, lúc đó hoàn cảnh của tôi thật khó khăn. Tôi như rơi vào tình trạng “không lối thoát” nơi đất khách quê người. Cứ nghĩ đến số nợ chồng chất nơi quê nhà đang chờ tôi giải quyết là tôi không muốn sống nữa. Đến giờ tôi vẫn chưa trả hết số tiền đã vay, nhưng may mắn tôi được trở về quê hương an toàn.

Trường hợp của chị G.T là một minh chứng cho việc thông tin tuyên truyền về XKLĐ ở ta còn nhiều hạn chế. Chính quyền địa phương, đặc biệt cấp huyện, xã thiếu sự quan tâm chỉ đạo, chưa coi XKLĐ là một hoạt động kinh tế nên nhiều người dân không nắm được đầy đủ thông tin về nhu cầu, điều kiện tuyển dụng, thủ tục đăng ký cũng như quyền lợi khi tham gia XKLĐ. Mặt khác, NLĐ bị lừa cũng chỉ vì các công ty làm XKLĐ còn bưng bít thông tin, không minh bạch trong công tác tuyển dụng. Theo nguồn tin của Cục Quản lý lao động với nước ngoài, một công ty XKLĐ đưa được 12 lao động Việt Nam sang Nhật hồi tháng 12-2002 thì đến giờ này, đã có 4 lao động bỏ trốn. 8 người còn lại, công ty trên cũng đang phập phồng không biết có giữ chân họ được không. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, trong số trên 20.000 lao động Việt Nam đang làm việc thì chỉ có 4.370 người là tu nghiệp sinh hoặc lao động hợp pháp. Còn lại khoảng 10.000 là lao động bỏ trốn hoặc kết thúc hợp đồng nhưng chưa về nước. 6.000 người còn lại sang Hàn Quốc cư trú làm việc bất hợp pháp bằng các kênh khác. Xảy ra vấn đề này là do một số công ty XKLĐ khi ký hợp đồng không khảo sát kỹ các điều kiện làm việc, ăn ở của NLĐ, còn tuyển dụng lao động qua trung gian, xem nhẹ việc giáo dục định hướng trước khi đi, khi phát sinh tranh chấp chưa kịp thời giải quyết… Ngoài ra giá cho một suất đi lao động quá cao khiến NLĐ phải bỏ trốn để kiếm tiền nhanh hoàn vốn ở quê nhà.

Việc NLĐ phá bỏ hợp đồng không chỉ làm công ty XKLĐ bị đối tác bắt đền mà còn làm các quốc gia đó đóng cửa thị trường với Việt Nam. Như tại Nhật, mỗi lao động bỏ đi thì đối tác Việt Nam phải bồi thường 8.000 USD. Thị trường Nhật đã từng đóng cửa với lao động Việt Nam cách đây một năm và mới mở trở lại. Vì vậy, đối với các công ty XKLĐ thì đây là vấn đề khiến cho họ nản nhất, thậm chí có công ty được cấp giấy phép XKLĐ nhưng khi biết phải đối mặt với những khó khăn trên đã "cố tình" quên nhiệm vụ.

Những khó khăn trên trong công tác XKLĐ không chỉ riêng ở Khánh Hòa mà là thực trạng chung của cả nước. Tuy đứng trước những thách thức đó nhưng Việt Nam đã rất cố gắng đưa được trên 46.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2002. Và, trong năm 2003, có thể đạt con số 50.000 lao động. Làm thế nào để đạt con số trên còn phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng đồng bộ của các cấp các ngành liên quan.

Khánh Hòa chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác XKLĐ, chắc chắn cần phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa. Đó là phải chú trọng công tác đào tạo nghề, ý thức, kỷ luật lao động, giáo dục định hướng cho NLĐ trước khi đi; có chính sách hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ vay vốn, đào tạo ngoại ngữ… Đặc biệt, phải chú trọng công tác tuyên truyền trong khâu tuyển chọn lao động, làm thế nào để tất cả người dân hiểu thông suốt từ chủ trương đến “hành trình" của công tác XKLĐ; đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các công ty được ký kết lao động. Có như vậy mới tạo được lòng tin ở NLĐ, hy vọng họ “lên đời” từ XKLĐ. Nếu Khánh Hòa vượt qua được những khó khăn trên với sự nỗ lực đồng bộ thì đề án XKLĐ giai đoạn 2003 - 2005 sẽ có tính khả thi. Và trong tương lai, dòng chảy lao động của Khánh Hòa sẽ không chỉ dừng lại ở mức xuất khẩu 533 lao động mỗi năm mà còn hơn thế nữa.

Nên chăng, tỉnh làm thí điểm mô hình công tác này ở một địa phương cho có hiệu quả rồi hãy nhân rộng ra toàn tỉnh?

THU HIỀN

Dự kiến chi phí XKLĐ sang Malaysia: 17.520.000 đồng.

- Khám sức khỏe: 350.000 đồng.

- Làm hộ chiếu: 200.000 đồng.

- Dịch vụ phí tuyển dụng và giáo dục định hướng: 800.000 đồng.

- Làm giấy phép nhập cảnh, mua vé máy bay…: 350 USD = 5.390.000 đồng.

- Phí đại lý phía Malaysia: 350 USD = 5.390.000 đồng.

- Đặt cọc tiền 10% tiền lương hàng tháng: 350 USD = 5.390.000 đồng.

(Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo; hỗ trợ 50% chi phí trên cho các đối tượng khác tham gia XKLĐ.

NLĐ khi được tuyển dụng sẽ được vay vốn tối đa 80% tổng chi phí. Riêng hộ nghèo, chính sách sẽ được cho vay 100% tổng chi phí các dịch vụ)