Xã Cam Thịnh Tây (Cam Ranh) có 647 hộ với trên 4.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95,5%. Trước năm 1998, đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn, đa số đồng bào dân tộc thiểu số sống du canh du cư, thiếu ăn đứt bữa thường xuyên. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm các giải pháp cụ thể vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, phong tục tập quán.
Nông dân thị xã Cam Ranh phát triển kinh tế trang trại. |
Xã Cam Thịnh Tây (Cam Ranh) có 647 hộ với trên 4.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộcthiểu số chiếm 95,5%. Trước năm 1998, đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn, đa số đồng bào dân tộc thiểu số sống du canh du cư, thiếu ăn đứt bữa thường xuyên. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm các giải pháp cụ thể vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, phong tục tập quán. Là địa phương tuyệt đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất rất đơn giản, do vậy cấp ủy đã đề ra nghị quyết tập trung củng cố các đoàn thể chính trị, trong đó coi trọng vai trò của Hội Nông dân.
Việc làm đầu tiên là hướng dẫn cho nông dân biết trồng cây gì, nuôi con gì. Cấp ủy đã lãnh đạo nhân dân địa phương, nhất là Hội Nông dân - được coi là lực lượng nòng cốt đi tiên phong trong phong trào sản xuất, phát triển kinh tế. Từ việc trồng trỉa cây bắp đá năng suất thấp, nay bà con nông dân đã biết chuyển đổi trồng giống bắp năng suất cao. Từ kinh tế tự cung tự cấp, nay đồng bào trong xã đã trồng được 711 ha bắp, 130 ha lúa, 100 ha đào, 20 ha sắn, 260 ha rau đậu các loại, chăn nuôi trên 2.700 con bò, gần 3.000 con dê và hàng chục ha xoài; bình quân mỗi hộ trồng được 10 cây, từ 3 đến 4 vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị. Tác động từ hiệu quả kinh tế của địa phương đã đưa nhận thức của nhân dân lên một bước mới. Những vùng đất trống, đồi núi trọc hoặc trồng cây lương thực có năng suất thấp, nay được thay bằng trồng cây mía, cây đào, cây mì, cây công nghiệp ngắn ngày có thu nhập khá; góp phần làm thay đổi một số tập quán canh tác lạc hậu kém hiệu quả và góp phần thực hiện tốt một số chính sách xã hội ở một xã miền núi. Đời sống văn hóa xã hội từng bước phát triển, đến nay có 173 hộ có nhà xây mái ngói, 178 gia đình có xe gắn máy, 85 hộ có phương tiện nghe nhìn, 136 hộ có cộ bò phục vụ sản xuất, gần 50% số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Điển hình như hộ ông Mang Năm chăn nuôi trên 30 con bò, mỗi năm thu lãi từ 20 đến 25 triệu đồng; ông Mang Đấy trồng được 3 ha mía, 1 ha đào, chăn nuôi 100 con dê, 20 con cừu, bình quân mỗi năm thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Nông dân còn tín chấp cho hàng trăm hộ vay vốn Ngân hàng gần 800 triệu đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Sản xuất phát triển, năm 2000 đã cơ bản xóa được hộ đói, từ năm 1998 đến nay bình quân mỗi năm toàn xã giảm được từ 12 đến 15 hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 19% so với số hộ trong toàn xã, cơ sở hạ tầng khang trang hơn nhiều, đường giao thông đi lại thuận tiện, 100% số hộ nông dân được sử dụng điện lưới quốc gia; là địa phương được công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.
Có thể nói, trong quá trình phát triển đi lên của xã Cam Thịnh Tây, trước hết cấp ủy, chính quyền địa phương đã biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, tự lực tự cường vươn lên, không trông chờ ỷ lại. Việc làm của lãnh đạo địa phương đã hợp lòng dân, thực sự phát huy được sức mạnh của nhân dân.
Dẫu khó khăn còn nhiều, nhưng với sự quyết tâm, đoàn kết nhất trí, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chắc chắn rằng cấp ủy, chính quyền và nông dân xã Cam Thịnh Tây sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiến một bước dài trong những năm sắp tới.
HỒNG QUANG