Phát huy truyền thống “đoàn kết, năng động, sáng tạo”, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn, nông dân Khánh Hòa đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh.
Phát huy truyền thống “đoàn kết, năng động, sáng tạo”, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện
Nông dân huyện Diên Khánh chăm sóc lúa sau khi gieo sạ. |
đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn, nông dân Khánh Hòa đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh. Những phong trào do Trung ương Hội Nông dân phát động như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo (XĐGN)”, “Nông dân thi đua xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn”, “Nông dân thi đua phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng”, cùng với 5 nhiệm vụ cơ bản của Hội được vận dụng, sáng tạo vào từng địa phương, từng lĩnh vực, trở thành phong trào thi đua sâu rộng ở các cơ sở Hội, thúc đẩy KT - XH nông thôn phát triển.
Hoạt động Hội thực sự hướng về cơ sở, nhất là việc tổ chức lại chi hội theo địa bàn dân cư, nghề nghiệp, với nội dung hợp tác tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm tổ hợp tác do Hội tổ chức hoạt động có hiệu quả. Những năm gần đây, các nguồn vốn XĐGN, vốn Quốc gia giải quyết việc làm, vốn 2308 và các nguồn vốn tín dụng khác đã được Hội Nông dân các cấp chủ động tham gia, điều phối, tín chấp cho nông dân làm thủ tục vay và sử dụng vốn có hiệu quả. Các nguồn vốn này tuy chưa nhiều nhưng đã giúp hàng chục ngàn hộ nông dân chăn nuôi gia súc gia cầm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm kinh tế trang trại… Nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa đã xây đập nước, làm đường giao thông, đường điện, làm hệ thống nước tự chảy, hàng trăm ngàn người có thêm việc làm, tạo sinh khí mới trong nông thôn. Trong bước tiến mới này, nhiều nhà nông đã đứng ra lập doanh nghiệp mở rộng các hoạt động ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, thúc đẩy phong trào phá thế độc canh, tự chủ đưa nông nghiệp, nông thôn từng bước tiến lên CNH - HĐH.
Hội Nông dân đã phát hiện sớm các nhân tố mới, gây dựng phong trào như phong trào SXKD giỏi của Hội Nông dân được cấp ủy, chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện cho phong trào phát triển. Cùng với phát triển KT - XH, sự vận dụng lồng ghép các chương trình mục tiêu XĐGN, giải quyết việc làm, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng cuộc sống mới, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tình hình nông dân, nông thôn từng bước được ổn định và phát triển. Đời sống nông dân được nâng lên rõ rệt. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hộ, nhất là kinh tế trang trại phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. 850 mô hình trang trại hiện có trong toàn tỉnh đã khôi phục hàng ngàn ha đất hoang hóa ở các vùng đồi núi, đồng bằng, ven biển, tạo ra các vùng chuyên canh gồm trên 16.000 ha mía, 10.000 ha cây ăn quả, 3.500 ha đào, hàng trăm ha cây cà phê, cây tiêu, 5.500 ha đìa nuôi tôm sú, gần 12.000 lồng tôm hùm… tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người, cung cấp nguồn nguyên liệu chủ yếu cho hai nhà máy đường của tỉnh, hàng chục ngàn tấn hoa quả và nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy hải sản, hạt điều, tạo động lực cho ngành nghề, dịch vụ phát triển. Xuất hiện ngày càng đông những nhà doanh nghiệp ở nông thôn, không chỉ góp phần khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa, phân bổ lại lao động trong nông thôn mà còn tích lũy thêm kiến thức thị trường để tổ chức sản xuất gắn với lưu thông, giảm dần sự bế tắc đầu ra sản phẩm của nông dân. Nông dân đã biết phân công lao động, bố trí vốn, đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây con phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ vào SXKD có hiệu quả, từng bước chuyển nền nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa nhiều thành phần. Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình như: kiên cố hóa kênh mương, cải tạo đàn bò, giống nông lâm nghiệp, hơn 124 công trình thủy lợi lớn nhỏ phục vụ tưới tiêu cho hơn 35.000 ha lúa hàng năm. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp hàng năm tăng bình quân trên 4%. Riêng những vùng thâm canh tập trung năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha/vụ. Chăn nuôi đã có những biến đổi về chất, trên 30% tổng đàn bò được cải tạo theo hướng lai Sind. Đến nay, gần 6.000/7.830 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được cấp nhà - đất định canh, định cư ổn định cuộc sống, 50% số hộ ở nông thôn được dùng nước sạch. Từ chương trình phủ điện nông thôn và giao thông nông thôn, đến nay có 100% số xã, 95% số hộ ở miền núi được sử dụng điện; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 70% hộ nông dân có nhà kiên cố, số hộ giàu ở nông thôn tăng lên đáng kể, mỗi năm toàn tỉnh đã bình xét được từ 20.000 đến 36.000 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn SXKD giỏi các cấp với mức thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/hộ/năm, hàng chục hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến tỷ đồng/năm. Kết quả của phong trào đã củng cố khối liên minh công nhân, nông dân, trí thức lên một hình thức mới về chất. Tuy nhiên, nông dân tỉnh ta vẫn còn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,7%, chủ yếu là nông dân. Sản xuất hàng hóa chưa phát triển. Nông dân chưa mạnh dạn đầu tư vào SXKD, tư tưởng ỷ lại còn khá nặng. Nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đến công tác tổ chức sản xuất.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã xác định chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nhất là đối với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất của nông dân; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh sản xuất hàng hóa phục vụ quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn; định hình vùng cây công nghiệp, cây ăn trái chuyên canh phục vụ cho nguyên liệu chế biến, bảo đảm vùng mía nguyên liệu ở Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh; xây dựng dự án phát triển giống mới có năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, cần quan tâm phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch, tìm hiểu thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định để nông dân an tâm đầu tư SXKD.
Trong thời gian lâu dài, nông nghiệp, nông thôn và nông dân tỉnh ta vẫn còn giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT - XH, nhằm góp phần ổn định an ninh lương thực. Bởi vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp cần có giải pháp tích cực hỗ trợ nông dân phát triển, hướng nông dân đầu tư khai thác để tăng nhanh giá trị nông, lâm, thủy sản; xây dựng nông thôn mới; đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; xây dựng Khánh Hòa ngày càng văn minh giàu mạnh.
THU TRANG
Mục tiêu phấn đấu đến 2008:
Phấn đấu 90% cơ sở Hội đạt tiêu chuẩn khá, vững mạnh, không có đơn vị yếu kém; 100% cán bộ Hội có trình độ chuyên môn, văn hóa cấp II trở lên; các cơ sở Hội đều có quỹ từ thiện 5 triệu đồng trở lên; phấn đấu 60% hộ nông dân toàn tỉnh trở lên đạt tiêu chuẩn SXKD giỏi các cấp, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%; các hộ hội viên nông dân đều đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.