Với chiều dài 6km, chạy dọc theo đường Trần Phú, biển Nha Trang từ lâu đã nổi tiếng là bãi tắm lý tưởng của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Bờ biển Nha Trang được xem là một con gà đẻ trứng vàng của Nha Trang - Khánh Hòa. Tuy nhiên, trước đây do đầu tư chưa tương xứng và khai thác thiếu hợp lý nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa nhiều. Nhưng đó là chuyện mấy năm về trước. Còn bây giờ tất cả đang khác dần.
Một góc công viên Phù Đổng. |
"ÁO MỚI" CHO TUYẾN BIỂN.
Hiện diện trên toàn tuyến, kể cả phía Đông và Tây đường Trần Phú, ngoài các gương mặt cũ như Công ty Du lịch Khánh Hòa, Công ty Cung ứng Tàu biển, Công ty Môi trường đô thị, Hotel Nha Trang - Lodge và một vài đơn vị khác, gần đây còn xuất hiện thêm nhiều đơn vị khác như Công ty Thương mại - Đầu tư (TMĐT), Công ty Du lịch Hòn Tre, Hotel Yasaka-Saigon-Nhatrang, cùng một số đơn vị có công trình đang xây dựng như: Khu nghỉ mát Pha Lê, Hotel Lucky Star, Hotel Phương Đông… làm cho bờ biển Nha Trang đổi thay từng ngày.
Dự án Công viên bờ biển Nha Trang được UBND tỉnh thông qua từ năm 1995 với mục đích nghiêng về phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng, trước nhu cầu muốn vươn ra bãi biển phía Đông đường Trần Phú của các chủ cơ sở du lịch phía Tây và trước sự phát triển sinh động của nền kinh tế thị trường, lãnh đạo tỉnh đã thay đổi quan điểm trong việc đầu tư xây dựng, cung cách quản lý và khai thác. Đó là sự kết hợp giữa kinh tế và phúc lợi công cộng, do đó cho phép lập dự án và kêu gọi đầu tư với nguyên tắc: Tuân thủ định hướng nghiêm ngặt về không gian, môi trường; các công trình xây dựng phải thông thoáng, không được che chắn hoặc chia cắt. Phương châm hoạt động là tìm cách sinh lợi để đầu tư trở lại, làm cho tuyến biển Nha Trang ngày càng đẹp, hấp dẫn hơn… Chủ trương của UBND tỉnh mở ra cho các nhà đầu tư, các đơn vị kinh doanh du lịch đang có cơ sở ở phía Đông và cả một số khách sạn phía Tây đường Trần Phú cơ hội vươn ra, đầu tư hoạt động kinh doanh, góp phần tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, hạn chế tệ nạn xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Khoác áo mới cho tuyến biển, trước hết phải kể đến sự ra đời của khu nghỉ mát cao cấp Ana Mandara “Ngôi nhà tôi yêu". Khu nghỉ mát được xây dựng cuối 1995, trên diện tích hơn 10.000m2, gồm 16 villa, 68 phòng, có bể bơi, sân tennis, vườn hoa cây cảnh, các dịch vụ vui chơi, chăm sóc sức khỏe… đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, với vốn đầu tư ngót trăm tỷ đồng. Ana Mandara do Công ty VF-CGZ Limited liên doanh với Công ty TMĐT Khánh Hòa làm chủ đầu tư; đón khách du lịch khép kín theo tour và chủ yếu dành cho khách nước ngoài. Năm 2001, Ana Mandara được chuyển giao cho Công ty TMĐT Khánh Hòa. Công ty Du lịch Hải Dương, đơn vị thành viên được giao phụ trách khu nghỉ mát và đầu tư xây dựng thêm khu Spas cao cấp liền kề trên diện tích 5.985m2 với nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Quản lý cả hai khu vực mới và cũ, Công ty có sự điều chỉnh cho phù hợp: Xây dựng thêm 10 phòng villa ở khu Ana Mandara, tăng tổng số phòng lên 78; tiếp tục nâng cấp cơ sở và các dịch vụ phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao, biến Ana Mandara thành một trong những khu nghỉ mát cao cấp nhất Việt Nam.
Sự ra đời của Ana Mandara ở phía Đông, rồi Nha Trang - Lodge, Quê Hương, Yasaka-Saigon-Nhatrang, Trung tâm Văn hóa… cùng một loạt hộ dân phía Tây đường chuyển hướng từ cư trú đơn thuần sang xây dựng khách sạn kinh doanh trong những năm qua tạo cho đường Trần Phú gương mặt mới, đòi hỏi phía Đông cần có sự chuyển mình mạnh mẽ để tương xứng. Năm 1999 - 2000, UBND tỉnh giao TP. Nha Trang và các ngành làm chủ đầu tư xây dựng một loạt công trình cơ sở hạ tầng. Đó là hệ thống kè chống xói lở từ Nhà nghỉ Bộ Công an đến Trung tâm Du lịch Bốn Mùa với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Xây dựng đường dạo rộng 2m, dài 1.930m và hệ thống điện thắp sáng từ Sở Tài chính đến khách sạn Ana Mandara với vốn đầu tư 2,681 tỷ đồng. Trung tâm Du lịch Biển Xanh (LA LOUISIANE) một địa điểm vui chơi giải trí do Công ty Cung ứng tàu biển hợp tác với một doanh nhân người Pháp, đầu tư 3 tỷ đồng, xây dựng năm 2000, đưa vào sử dụng năm 2001, trên diện tích 5.000m2, ngay trước cổng sân bay Nha Trang. Khu nhà hàng Cung ứng tàu biển đối diện khách sạn Trầm Hương giờ đây là Cửa hàng Duyên Hải phục vụ ăn uống giải khát và Sailing Club phục vụ bơi thuyền, lặn biển, quán bar, bán hàng lưu niệm cho khách nước ngoài cũng được chỉnh trang, nâng cấp. Công ty Du lịch Khánh Hòa được giao quản lý hai cơ sở: Công viên Phù Đổng, khởi công xây dựng tháng 11-2000 với vốn đầu tư 21 tỷ đồng, nằm trên một bãi đất rộng 24.000m2. Nơi đây, trước ngày khởi công là một bãi rác và cây rậm, về đêm thường xảy ra các hành vi: Mại dâm, ma túy, cướp giật… Công viên có hai khu: Trò chơi và Trượt nước. Ngoài ra, còn có bãi đậu xe rộng 2.400m2 nằm sát Ana Mandara. Trung tâm Du lịch Bốn Mùa, địa điểm đối diện khách sạn Nha Trang - Lodge và Hải Yến được chia làm 3 điểm: Bốn Mùa 1, Bốn Mùa 2 và Bốn Mùa 3. Ra đời từ năm 1984, trong thời kỳ bao cấp, nên quy mô nhỏ, chắp vá, không theo quy hoạch và kém hiệu quả. Năm 2002, Công ty được phép của UBND tỉnh đầu tư 1,2 tỷ đồng chỉnh trang Bốn Mùa 1 và 3. Đang lập dự án để chỉnh trang Bốn Mùa 2 vào năm tới.
Hệ thống công viên vườn hoa mới gồm: Công viên 1, Công viên 2, Công viên 3 mà UBND TP. Nha Trang là chủ đầu tư đã và đang lần lượt được xây dựng. Công viên 1 từ Quảng trường 2-4 đến nhà hàng Duyên Hải, diện tích 19.500m2, vốn đầu tư 3,2 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2001 và hoàn thành vào tháng 11-2002, với nhiều hạng mục công trình như vườn hoa, cây cảnh, ghế đá, cầu trượt cho trẻ em, đường bách bộ, thảm cỏ xanh, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí… Công viên 2 từ Sailing Club đến Trung tâm Du lịch Biển Xanh, diện tích 17.200m2, vốn đầu tư 3,2 tỷ đồng sẽ được khởi công vào cuối tháng 6-2003 và Công viên 3 từ Nhà nghỉ Bộ Công an đến Trung tâm Du lịch Bốn Mùa, diện tích 50.000m2, vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng sẽ khởi công vào tháng 7-2003. Gần đây, UBND tỉnh giao cho TP. Nha Trang tiến hành chuẩn bị dự án Công viên 4, đoạn từ Nhà nghỉ Bộ Công an, phường Xương Huân đến đường Mai Xuân Thưởng, phường Vĩnh Hòa, nối liền bờ biển Nha Trang với khu du lịch Hòn Chồng, mở đường cho quy hoạch xây dựng khai thác tuyến biển ra phía Bắc. UBND TP. Nha Trang cũng đã có văn bản đề nghị tỉnh cho phép lập dự án Công viên 5, đoạn từ Discotheque Hướng Dương đến tượng Trần Hưng Đạo thuộc phường Vĩnh Nguyên, tạo nên vành đai công viên cho toàn thành phố.
Với một loạt công trình được xây dựng, chỉnh trang, bộ mặt tuyến bờ biển Nha Trang thay đổi một bước quan trọng, thực sự phong phú, đa sắc, đa màu, chẳng những làm vui lòng du khách gần xa mỗi khi đến Nha Trang tham quan, nghỉ dưỡng, mà còn đem về cho địa phương nguồn lợi kinh tế lớn.
HẤP DẪN, THU HÚT VÀ HIỆU QUẢ.
Hôm nay đến với bờ biển Nha Trang, khách du lịch cũng như người dân thành phố sẽ bằng lòng và yên tâm hơn về sự đổi thay nhiều mặt. Bãi tắm biển Nha Trang giờ đây nước trong xanh hơn, mát mẻ hơn. Bởi bãi cát được giữ sạch bằng máy sàng rác tự động của Công ty Môi trường đô thị và thường xuyên quét dọn của các cơ sở được giao quản lý kinh doanh ven bờ. Muốn lặn biển, kéo dù, đua thuyền, lướt ván… xin mời bạn đến Sailing Club hoặc Trung tâm Du lịch Biển Xanh. Công viên Phù Đổng sẽ gây ấn tượng mạnh đối với bạn, nhất là các em nhỏ với nhiều trò chơi lý thú, độc đáo. Rồi các bậc cha mẹ, ông bà có thể cùng con cháu nô đùa trong các hồ bơi, bể tắm. Nhân dịp kỷ niệm 350 năm Khánh Hòa, Ban quản lý Công viên còn hợp tác với nhiều nhà hàng đưa vào hoạt động chợ ẩm thực với hàng chục món ăn truyền thống, được các đầu bếp có tay nghề chế biến hấp dẫn, giá cả hợp lý, gây sự chú ý cho nhiều gia đình, bạn bè, đôi lứa vào các chiều thứ 7 và chủ nhật. Đêm đêm, trai thanh, gái tú có thể đến với các ban nhạc ở Lodge Club hoặc Discotheque Hướng Dương. Đến Nha Trang trong ngày hè, ngoài thú tắm biển, bạn còn được ngả mình trên tấm đệm dưới bóng mát của những chiếc dù tranh. Bạn cũng có thể đặt một tiệc sinh nhật gọn nhẹ hoặc tổ chức một buổi liên hoan với các loại đặc sản biển tươi sống như tôm, cua, mực, ghẹ, nghêu sò… hết sức hấp dẫn ở Trung tâm Bốn Mùa, nhà hàng Duyên Hải, Thùy Dương, Quán Gió… mà giá cả rất phải chăng. Quảng trường 2-4 là điểm tập thể dục lý tưởng vào buổi sáng của các cụ ông, cụ bà trong Câu lạc bộ Dưỡng sinh. Những chiếc ghế đá ở vườn hoa trước cửa Nhà Bảo tàng là nơi hội tụ của không ít cán bộ nghỉ hưu, lão thành cách mạng buổi sáng, buổi chiều; vừa hưởng thụ không khí trong lành của biển vừa đàm đạo việc đời, việc nước. Đường dạo ven biển, con đường bách bộ, dành cho bất cứ du khách hoặc người dân nào. Công viên 1, 2, 3 với những hàng ghế đá, là nơi dừng chân thư giãn của bất cứ ai khi nắng nóng ban ngày hoặc lúc trăng thanh gió mát về đêm. Tại Cửa hàng Mỹ nghệ đối diện đường Lý Tự Trọng, các quầy hàng mỹ nghệ trong Trung tâm Bốn Mùa, Cung ứng tàu biển, khu 96 - 100 đường Trần Phú… quý khách có thể tìm mua những mặt hàng lưu niệm vừa ý làm từ các sản phẩm biển như vỏ tôm hùm, ốc, trai, cành san hô… để ghi nhận chuyến du lịch Nha Trang đầy lý thú và hấp dẫn. Điểm vui chơi công cộng gần đây trên bờ biển Nha Trang không còn thiếu. Ngoài Công viên 1 đã hoàn thành, Công viên 2 và 3 sẽ được xây dựng trong thời gian không xa. Vào ngày kỷ niệm thành lập Đoàn 26-3 hoặc ngày hè, các bạn thanh niên và các em học sinh không cần khoản tiền lớn cũng có thể tổ chức được cuộc cắm trại vui nổ trời của tuổi trẻ.
Biển Nha Trang đẹp và hấp dẫn nên nó đã thực sự mang lại nguồn lợi về nhiều mặt. "Con gà du lịch" đã và đang được chăm sóc chu đáo, bởi thế giờ đây nó bắt đầu đẻ trứng vàng. Theo số liệu ước tính của Sở Du lịch - Thương mại thì doanh thu hàng năm của toàn ngành Du lịch tỉnh, cả khu vực Nhà nước và nhân dân ước đạt hàng trăm tỷ đồng. Đóng góp phần ngân sách quan trọng này có vai trò số một của tuyến biển Nha Trang. Mỗi năm Khánh Hòa đón tiếp gần 600.000 khách đến công tác, nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí. Những cái tên Hòn Mun, Hòn Tằm, đảo Khỉ, suối Hoa Lan, Dốc Lết, Đại Lãnh, vịnh Vân Phong, chùa Long Sơn, Tháp Bà Pônaga, Suối khoáng nóng Tháp Bà… đã trở nên quen thuộc với du khách. Biển Nha Trang mùa hè có tới chục ngàn người tắm mỗi ngày. Nhiều hôm cao điểm, vào buổi sáng sớm cũng như buổi chiều, từ tượng đài Trần Hưng Đạo trước cửa Học viện Hải quân đến Nhà nghỉ Bộ Công an dài 6km, trên bờ, dưới nước, bãi tắm đông nghịt người. Dịch vụ cho thuê áo tắm, phao bơi, lướt ván, kéo dù, bơi thuyền… đầy đủ và tiện lợi. Cứu hộ, cứu nạn được bố trí, canh chừng, nhất là khu vực có du khách. Về đêm, các câu lạc bộ, điểm vui chơi giải trí, các quán bar, nhà hàng… cả phía Đông và Tây đường Trần Phú rộn ràng đến 23 giờ. 24 giờ trở đi bạn sẽ được say sưa trong giấc nồng của hương gió biển.
Với giới hạn của bài viết, không thể liệt kê toàn bộ những đóng góp của du lịch tuyến biển, chỉ xin nêu vài con số cụ thể của một số đơn vị trực tiếp hoạt động kinh doanh trên tuyến này để thấy "Con gà du lịch" đang đẻ trứng vàng. Công viên Phù Đổng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động khu vui chơi tháng 2-2002, cuối năm doanh thu 4,5 tỷ đồng. Khu trượt nước, tháng 6-2002 mới triển khai thi công, cuối năm đưa vào hoạt động thử, doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng. Ước tính cả hai khu năm 2003 doanh thu 7 tỷ đồng. Dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm 2002, Tết Nguyên đán Quý Mùi, công viên đón một lượng khách kỷ lục: Mỗi ngày có tới trên dưới 10.000 cả người lớn và trẻ em. Công ty Cung ứng tàu biển mỗi năm doanh thu tại Cửa hàng Duyên Hải 3 tỷ đồng. Riêng Sailing Club bình quân thu từ 8 - 10 tỷ đồng (2000 - 6,7 tỷ; 2001 - 8,1 tỷ; 2002 - 10,4 tỷ), Trung tâm Du lịch Biển Xanh doanh thu bình quân mỗi năm từ 2,5 - 3 tỷ đồng. Trung tâm Du lịch Bốn Mùa, sau khi đầu tư nâng cấp, doanh thu tăng gấp đôi. Bốn tháng đầu năm 2003, đạt 2,7 tỷ, tăng 1 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt với Ana Mandara, năm 2002 công suất phòng đạt 82,5%; tổng doanh thu hơn 63,3 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước gần 6 tỷ đồng…
Tương lai của Nha Trang không dừng lại ở những gì đang có. Lãnh đạo tỉnh và ngành Du lịch cho rằng: Tất cả chỉ mới bắt đầu. Con gà du lịch tiếp tục cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, mở rộng, nâng cấp để ngày một hấp dẫn hơn. Tuyến biển Nha Trang không chỉ từ cửa sông Xóm Bóng đến tượng đài Trần Hưng Đạo như lâu nay mà phải được nối tiếp với Hòn Chồng, kéo dài ra Bãi Tiên, nơi đang hình thành khu nghỉ mát Rusalka. Nó còn được làm điểm xuất phát để vượt biển sang làng Du lịch Bãi Trũ - Đầm Già sắp hoàn thành ở Hòn Tre. Và từ tuyến biển Nha Trang, "Con gà du lịch" sẽ vỗ cánh "bay vào" khu sinh thái Sông Lô, vượt mũi Cù Hin tới Bãi Dài ở Cam Ranh trong một tương lai không xa.
NGUYỄN XUÂN