Du khách đến Nha Trang thường thưởng thức các món trứng cút, thịt cút rán thơm ngon, nhưng có lẽ ít ai để ý món đặc sản này từ đâu đến? Anh Cao Thành Sơn - chủ cơ sở cút giống cho biết “Không dưới 50% sản phẩm này từ vùng KTM Trảng É cung cấp”.
Sống giữa TP. Nha Trang chật hẹp, vợ chồng anh Cao Thành Sơn đã nghĩ ra cách tạo lập một trại cút giống tại vùng kinh tế mới (KTM) Trảng É - cung cấp cút giống cho TP. Nha Trang và khắp các huyện trong tỉnh - làm dấy lên phong trào chăn nuôi gia đình, góp phần cải thiện đời sống.
Du khách đến Nha Trang thường thưởng thức các món trứng cút, thịt cút rán thơm ngon, nhưng có lẽ ít ai để ý món đặc sản này từ đâu đến? Anh Cao Thành Sơn - chủ cơ sở cút giống cho biết “Không dưới 50% sản phẩm này từ vùng KTM Trảng É cung cấp”.
Một trong những trại cút của anh Cao Thành Sơn ở vùng KTM Trảng É. |
Trong một lần đến thăm trại cút của anh Sơn, tôi được vợ chồng anh cho biết: Trại chăn nuôi của anh ra đời cách đây 3 năm, toàn khu vực rộng 3.200m2, hiện có 3 trại cút giống, mỗi trại trên 6.000 con, mỗi ngày thu được hàng chục nghìn quả trứng giống. Ngoài chị Phan Thị Lãnh - vợ của anh Sơn là chủ trại, còn thuê thêm 5 công nhân trực tiếp chăm sóc. Cơ sở cút của anh Sơn hiện có 10 lò ấp trứng, ngày nào cũng có cút nở và lúc nào cũng có trứng cút lộn. Khách hàng của anh không những ở TP. Nha Trang mà ở cả Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh và tỉnh Ninh Thuận. Nhận cút con của anh về nuôi khoảng 45 ngày sau thì cút đẻ trứng; sau 12 tháng đẻ trứng, cút mẹ được tung ra thị trường bán thịt. Cứ vậy luân phiên quay vòng hết lớp này đến lớp khác. Anh Cao Thành Sơn tâm sự: “Tôi là công chức Nhà nước, hiện làm việc trong ngành Bưu điện tỉnh Khánh Hòa. Gia đình tôi sống giữa thành phố chật hẹp biết làm gì để nuôi con ăn học? Và sở dĩ tôi chọn công việc này vì nhu cầu chăn nuôi của cán bộ và nhân dân trong tỉnh rất lớn. Nha Trang vốn nổi tiếng là thành phố gà công nghiệp từ những năm 80 nên chuyển qua nuôi cút càng thuận lợi. Nuôi cút vừa nhẹ nhàng, vừa ít gây ô nhiễm môi trường và vốn đầu tư không lớn. Thức ăn công nghiệp luôn có sẵn, chỉ cần mình đầu tư giống và hướng dẫn kỹ thuật thì ai cũng có thể nuôi để cải thiện được…”. Chị Phan Thị Lãnh nói thêm “Trại cút giống này vừa giải quyết đời sống cho 5 - 7 lao động, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình…”
Trại cút của anh Sơn vừa cung cấp thực phẩm cho thành phố du lịch, vừa giải quyết phân bón ở vùng KTM (phân cút giá trị kinh tế hơn phân gà, phân lợn và các loại phân gia cầm, gia súc khác). Mỗi ngày anh xuất bán khoảng vài chục bao phân cút, mỗi bao anh thu 9.000 đồng. Trại cút của anh chẳng những là cơ sở làm ra của cải vật chất cho xã hội mà còn góp phần chứng minh rằng khu KTM Trảng É không phải là nơi khô cằn sỏi đá. Hy vọng rằng khu KTM Trảng É sẽ ổn định lâu dài để chẳng những nâng cao mức sống cho đồng bào ở vùng căn cứ kháng chiến cũ mà còn là vành đai xanh cung cấp lương thực - thực phẩm cho thành phố biển Nha Trang.
LÊ THU