09:05, 21/05/2003

Thêm một mùa xoài… chua

Vị xoài Cam Ranh thơm ngọt, từ lâu đã thu hút khách thập phương. Năm nào đậu trái nhiều, giá xoài cao thì bà con nông dân đỡ khổ. Mấy năm gần đây, xoài quá rẻ, đôi lúc lại “trở chứng”, không có trái. Và, không chỉ người trồng xoài, mà người thưởng thức nó cũng cảm thấy… chua!

Vị xoài Cam Ranh thơm ngọt, từ lâu đã thu hút khách thập phương. Năm nào đậu trái nhiều, giá xoài cao thì bà con nông dân đỡ khổ. Mấy năm gần đây, xoài quá rẻ, đôi lúc lại “trở chứng”, không có trái. Và, không chỉ người trồng xoài, mà người thưởng thức nó cũng cảm thấy… chua!

Thùng chứa xoài vẫn nằm chờ.

Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Cam Ranh, từng gắn bó với mảnh đất cát pha, với đặc điểm trên nóng dưới cát, mới thấu hiểu được nỗi lòng của người trồng xoài. Một dạo, tôi có ghé thăm nhà của anh bạn đồng nghiệp ở Cam Ranh, xung quanh khu vườn trồng toàn xoài là xoài. Anh kể một mạch về cây xoài. Xoài ở Cam Ranh trồng cách đây từ 40 năm trở lên, cành lá bây giờ sum suê, dày đặc. Người dân Cam Ranh, nhất là ở Cam Hải Tây, một vùng trồng xoài nhiều nhất thị xã, từ lâu đã gắn bó với cây xoài, được mùa thì bội thu, mất mùa đành cam chịu. Mấy năm gần đây mất mùa có ai chặt xoài bao giờ đâu! Gia đình anh sống chủ yếu bằng mấy chục gốc xoài này, hết gạo cũng xoài, nuôi con ăn học cũng xoài, và thậm chí anh được tấm bằng đại học như hôm nay cũng từ mấy cây xoài. Ngẫm ra, tôi thầm thương yêu cây xoài. Và càng cảm thấy thán phục người trồng xoài một nắng hai sương vun xới để mong xoài đơm hoa kết trái ngọt. Nhiều người nói xoài Cam Ranh có vị ngọt không thua kém gì xoài miền Nam.

Do được dày công chăm sóc, vun trồng, không kể những năm được mùa, mất mùa nên diện tích và số lượng cây xoài mỗi năm một tăng. Hiện Cam Ranh là địa phương trồng xoài nhiều nhất ở Khánh Hòa, diện tích lên đến trên 3.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 32 nghìn tấn. Xoài Cam Ranh chủ yếu trồng giống xoài Canh Nông, nước nhiều, trái ngọt nhưng chất lượng thương phẩm không cao. Do trồng quá dày, thời gian lâu, tán dày nên tỷ lệ đậu trái thấp. Các giống xoài ghép, xoài Ấn Độ có năng suất, sản lượng cao, có giá trị thương phẩm đưa vào trồng không đáng kể… Vậy là, ngoài yếu tố tự nhiên, thổ nhưỡng, người dân vùng đất Cam Ranh có rất nhiều điều kiện làm giàu từ cây xoài trong tương lai nếu như chúng ta chú trọng việc nâng cao chất lượng thương phẩm, năng suất, sản lượng, đầu ra sản phẩm cho cây trồng này. Vẫn biết vậy, nhưng thực tế lại khác!

Thực ra, mấy năm gần đây, cây xoài Cam Ranh có lúc lên hương, không khác gì cây mía, cây cà phê, vải thiều, cũng gặp nhiều nỗi “truân chuyên” mà không có lối thoát. Không ít người trồng xoài ở xã Cam Hải Tây bây giờ vẫn còn nhớ như in vụ xoài năm ngoái. Hộ trồng ít thì không có gì để nói nhưng những hộ trồng nhiều, từ 1 ha trở lên: Lỗ nặng! Bình thường khi xoài sai trái, giá từ 3 nghìn đồng/kg trở lên, chỉ cần trồng 1 ha xoài, nông dân ở Cam Ranh đã cầm chắc trong tay khoảng 30 triệu đồng. Vụ xoài vừa qua đã để lại nhiều vấn đề đáng nhớ nhất đối với không ít hộ trồng xoài. Đầu vụ, do xoài ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu trái cao nên nhiều gia đình tưởng được một mùa vụ bội thu. Nhưng không, đầu vụ giá xoài có cao đôi chút, đến giữa vụ, cũng là lúc xoài chín rộ, do không tiêu thụ được, xoài đi Hà Nội, Trung Quốc không …“ăn”, thế là bỗng dưng giá xoài tụt xuống liên tiếp, có lúc chỉ còn 500 đồng/kg. Khổ nỗi, giá thấp lại không ai mua, mà chi phí thu hoạch đâu phải là thấp, tính ra tiền bán xoài không đủ tiền công hái, nên xoài đến giữa vụ chín đỏ cây. Nhiều chủ vườn xoài nói vui là chỉ có trâu bò mới dám ra vườn xoài chứ chúng tôi nào dám ra vườn, bởi vườn xoài rất… “trơn”, không phải do mưa, mà là do xoài chín rụng quá nhiều - một sự chua xót của người dân một nắng hai sương! Tiếc thì tiếc thật nhưng vẫn không giải quyết được gì. Nhiều người thấy xoài chín nhiều nhưng không thu được đồng nào, tiếc quá, lấy phần thịt xoài làm bánh xoài để bán được đồng nào hay đồng ấy. Nhưng ai cũng làm bánh xoài, thành ra tuy bánh xoài rất ngọt người bán bánh xoài vẫn cảm thấy "chua", có lúc chỉ có 5 nghìn đồng/kg bánh, vẫn không đủ tiền công làm.

Các điểm thu mua xoài thưa dần.

Muốn ra trái, xoài cũng phải bón phân, tưới nước, tỉa cành, phun thuốc trừ sâu… Vào đầu vụ, người trồng xoài cũng phải đầu tư ngót ngét khoảng 200 nghìn đồng/gốc xoài mới mong xoài ra hoa, kết trái. Đúng là, nghề trồng cây hái quả, có lúc thì bội thu, lúc thì mất mùa, không trái. Và, năm nay, vụ xoài không trái không còn xa lạ với người trồng xoài Cam Ranh! Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 70% diện tích xoài trên địa bàn thị xã không có trái, nếu có thì trái rất nhỏ hoặc bị sâu rầy. Riêng địa bàn giáp ranh huyện Diên Khánh, tỷ lệ đậu trái có cao hơn đôi chút. Người trồng xoài ở xã Cam Hải Tây kể lại: “Vụ xoài năm nay không khác gì năm ngoái. Đầu vụ, xoài ra hoa rất nhiều. Chúng tôi rất mừng! Thế nhưng, vào thời điểm xoài ra hoa, do nắng nóng, lại gặp sương muối phủ dày khoảng hơn 1 tuần nên xoài không đậu trái. Cây nào đậu trái thì sâu rầy rất dữ! Có cây ra hoa muộn nhưng vào thời điểm ra hoa, cây chưa kịp bung nụ đã bị sâu rầy bám, nhiều nụ đã chuyển từ màu trắng sang màu đen. Những cây đậu trái, chúng tôi phun thuốc trừ sâu liên tục nhưng cây vẫn không hết sâu, xoài còn non vẫn bị rụng. Bây giờ, đến thời kỳ thu hoạch, trái xoài không to, còn lởm chởm các vết đen do bị sâu bệnh nên rất khó tiêu thụ”.

Với tôi, vụ xoài năm nay đã để lại một kỷ niệm khó quên, đó là một vụ xoài không trái, đi giữa các vườn xoài đã đến thời điểm thu hoạch trải dài toàn màu xanh, ngẩng đầu lên toàn thấy lá. Không có xoài, các cơ sở đóng thùng xoài một thời sôi động bây giờ thưa dần, im hơi bặt tiếng. Rồi không còn cái cảnh náo nhiệt, dập dìu của các xe tải, xe khách Bắc Nam thỉnh thoảng ngừng đỗ để vận chuyển xoài đi tiêu thụ khắp nơi. Bây giờ, giá xoài không cao lắm, khoảng 3 nghìn đồng/kg, thế nhưng người trồng xoài vẫn không có xoài để bán.

Dưới tán rợp của các vườn xoài, dường như tôi đang nghe những mảnh đất cát pha ở Cam Ranh chuyển mình, thỉnh thoảng từng đợt gió thổi những khu vườn xoài không trái cất lên tiếng rì rào. Anh bạn cùng đi với tôi hỏi: Có phải xoài đang khóc? Không vội trả lời, ngập ngừng giây lát, tôi nói: Không biết xoài đang khóc hay người trồng xoài đang… khóc?

MINH TUẤN