09:05, 21/05/2003

Nhà máy Đường Cam Ranh: Làm gì để sử dụng triệt để một dây chuyền sản xuất tiên tiến?

Nhà máy Đường Cam Ranh khởi công xây dựng từ tháng 9-1998, đến năm 2002 đưa vào hoạt động sản xuất. Công suất tối đa của Nhà máy lên đến 6.000 tấn mía/ngày. Thế nhưng hiện nay, lượng mía cung cấp chưa đáp ứng được khả năng đó.

Nhà máy Đường Cam Ranh khởi công xây dựng từ tháng 9-1998, đến năm 2002 đưa vào hoạt động sản xuất. Công suất tối đa của Nhà máy lên đến 6.000 tấn mía/ngày. Thế nhưng hiện nay, lượng mía cung cấp chưa đáp ứng được khả năng đó.

 

 

Kiểm tra trọng lượng mía bằng hệ thống cân báo điện tử ở Nhà máy Đường Cam Ranh.

Theo ông Dương Công Tiễn, Giám đốc Nhà máy Đường Cam Ranh: “Để dây chuyền khép kín của Nhà máy vận hành thì mỗi ngày cần có từ 3,5 ngàn tấn mía trở lên; nếu thấp hơn, Nhà máy không thể hoạt động được”. Từ đó, việc tập trung nguồn mía nguyên liệu cho Nhà máy Đường Cam Ranh rất quan trọng. 2 niên vụ mía vừa qua đã chứng tỏ công suất thực của dây chuyền này; tất cả nguồn mía trong tỉnh được huy động tối đa cho Nhà máy nhưng Nhà máy cũng chỉ hoạt động cầm chừng vì thiếu mía. Qua thống kê, lượng mía bán cho Nhà máy chỉ được gần phân nửa số mía thực có trên địa bàn, số còn lại đã được bán cho các lò che cho dù Nhà máy có đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nông dân như: bảo hiểm mía, khuyến khích thích đáng những người bán nhiều mía cho Nhà máy với chữ đường cao… Điều đó đã nảy sinh một nghịch lý là dây chuyền công nghệ hiện đại vẫn đang thiếu nguyên liệu để hoạt động thì mía lại cứ chạy lòng vòng, rồi… đi nơi khác!?

Nhà máy Đường Cam Ranh hoạt động nhờ vào dòng điện tự cung cấp do được lắp đặt hệ thống lò đốt bã mía để phát điện. Hệ thống từ lò đốt bã qua nồi hơi nước đến buồng quay tua-bin phát điện để vận hành cung cấp điện toàn bộ Nhà máy là một dây chuyền khép kín. Trung bình nồi hơi mỗi giờ sản xuất được 170 tấn hơi, tạo ra nguồn điện có công suất 25mW, nhưng Nhà máy chỉ sử dụng hết 11mW. Số điện còn thừa vẫn chưa được dùng vào việc gì. Ông Dương Công Tiễn cho biết: “Số điện thừa Nhà máy có nhã ý bán cho Công ty Điện 3 với giá 240 đồng/kW nhưng ngành Điện chưa đồng ý mua”. Chính vì vậy, điện năng ở Nhà máy Đường Cam Ranh bị lãng phí. Theo ước tính sơ bộ, lượng điện thừa trong một ngày của Nhà máy khoảng 14mW, đủ để cung cấp cho huyện Diên Khánh tiêu thụ trong cùng thời gian. Vậy nếu tính đến cả một niên vụ, lượng điện thừa của Nhà máy là khá lớn, nhưng ngặt một nỗi: nếu hợp đồng bán điện cho Công ty Điện 3 có nhiều lắm cũng chỉ đến 4 tháng trong một năm là hết. Có lẽ, ngành Điện không chấp nhận kinh doanh mua bán điện theo kiểu thời vụ như vậy. Hiện nay, Nhà máy chỉ mới giải quyết được phần lớn vấn đề chất thải sau sản xuất. Lượng tro bã mía qua quá trình đốt lò đã được Nhà máy tận dụng tạo ra phân bón ruộng mía cho nông dân; lượng mật rỉ được đưa vào bồn chứa để bán cho Công ty Bột ngọt Vedan.

Được biết, để tăng lượng mía đáp ứng được công suất hoạt động của Nhà máy Đường Cam Ranh trong những niên vụ tiếp theo, UBND tỉnh đã có chủ trương chuyển 2.000 ha lúa 2 vụ sang trồng mía. Nhưng hầu như người nông dân có ruộng chưa mấy “ngọt ngào” với cây mía nên chuyển biến còn chậm. Vấn đề không phải nhiều mía là người nông dân có thể bán hết cho Nhà máy, điều quan trọng là phải có mối dây ràng buộc thế nào để có được sự dung hòa giữa người nông dân và Nhà máy? Điều này hầu như Nhà máy chưa làm được. Ông Tiễn cho biết: “Nhà máy đã có chính sách đầu tư cho dân trồng mía về vật tư nông nghiệp như: phân, giống, vốn… còn về thủy lợi, giao thông nông thôn không nằm trong định hướng đó”. Chuyện thủy lợi và giao thông ở những vùng khó khăn như là vấn đề cốt tử giúp tăng năng suất mía và thu hút nhà nông tham gia canh tác lại chưa được chú trọng; thử hỏi nông dân có đủ tự tin trồng mía tiếp sau những năm mất mùa? Niên vụ vừa qua, để tăng thêm lượng mía cho Nhà máy hoạt động, Công ty Đường Khánh Hòa đã hợp đồng với nông dân tỉnh Đắc Lắc trồng 200 ha mía. Dự kiến trong năm nay, sẽ hợp đồng tăng thêm diện tích. Trong khi đó, nông dân tỉnh ta lại không mấy mặn mà với Nhà máy. Làm gì để có mối dây ràng buộc giữa nhà nông và Nhà máy, đó là vấn đề đang đặt ra cho lãnh đạo Nhà máy cũng như Công ty Đường Khánh Hòa trong thời gian tới. Nếu làm được điều đó mới có hy vọng lượng mía trong toàn tỉnh được thu về một mối, không bị tình trạng phân tán như các niên vụ trước. Và đến khi đi vào hoạt động với công suất ổn định, số điện dư dôi liệu Nhà máy có tính đến phương án tiêu thụ? Xét về quy mô, lượng điện này không lớn nhưng thực ra trên mỗi kW điện được bán ra nó sẽ bù lỗ đáng kể cho 1kg đường khi thị trường đường có biến động. Làm gì để tận dụng triệt để dây chuyền công nghệ hiện đại?… Vấn đề đang đặt ra.

LÊ HOÀNG TRIỀU