10:05, 23/05/2003

Một số điểm chú ý khi sử dụng thuốc trừ cỏ Nominee trên ruộng lúa

Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc hóa học để trừ cỏ trên ruộng lúa đã đạt được nhiều tiến bộ. Việc ra đời một số loại thuốc có hiệu lực trừ cỏ cao, an toàn cho cây lúa, dễ sử dụng… đã giúp cho nông dân giảm chi phí làm cỏ. Tuy nhiên, hiệu lực trừ cỏ ngoài việc phụ thuộc vào tính chất của từng loại thuốc, còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật sử dụng, phương pháp canh tác và điều kiện thời tiết khi sử dụng...

Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc hóa học để trừ cỏ trên ruộng lúa đã đạt được nhiều tiến bộ. Việc ra đời một số loại thuốc có hiệu lực trừ cỏ cao, an toàn cho cây lúa, dễ sử dụng… đã giúp cho nông dân giảm chi phí làm cỏ. Tuy nhiên, hiệu lực trừ cỏ ngoài việc phụ thuộc vào tính chất của từng loại thuốc, còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật sử dụng, phương pháp canh tác và điều kiện thời tiết khi sử dụng. Đối với một số loại thuốc khi sử dụng có yêu cầu cao về việc điều khiển mực nước trên ruộng lúa: có loại phải tháo kiệt nước, có loại lại cần giữ mực nước trong ruộng từ 1 - 3cm.

Trong vài năm gần đây, thuốc trừ cỏ lúa hậu nảy mầm Nominee 10 SC do Kumiai Chemical Industry Co., LTD (Nhật Bản) sản xuất được đưa vào sử dụng và cho kết quả tốt. Thuốc có những đặc tính khá ưu việt là thời gian sử dụng kéo dài; có hiệu lực với nhiều loại cỏ, nhất là cỏ lồng vực; rất an toàn đối với cây lúa, kể cả khi cây lúa còn nhỏ cho tới khi đã làm đòng. Thuốc cũng rất dễ sử dụng, không yêu cầu cao về việc điều khiển mực nước: có thể tháo cạn hoặc vẫn giữ nước trong ruộng, mà chỉ cần 1/3 lá cỏ ở trên mặt nước.

Để chủ động phòng trừ cỏ, sau khi gieo từ 8 - 25 ngày (khi cỏ có từ 1 - 7 lá) thì phun thuốc, tốt nhất là cỏ có 3 - 5 lá. Liều lượng sử dụng là 20cc thuốc/1.000m2. Có thể sử dụng Nominee trên tất cả các mùa vụ khác nhau trong năm và phù hợp với mọi điều kiện thời tiết, kể cả trong điều kiện nắng, mưa thất thường. Trong vụ Đông - Xuân thường hay gặp mưa, nhưng nếu sau khi phun 6 giờ mà có mưa thì thuốc vẫn phát huy hiệu quả trừ cỏ tốt, không cần phải phun lại (do thuốc có tính nội hấp, lưu dẫn, thấm rất nhanh vào trong cây cỏ). Ngược lại trong vụ Hè - Thu thường gặp nắng hạn, lúa được tưới theo lịch. Vì vậy, nên phun thuốc Nominee trước khi đến lịch tháo nước từ 1 - 2 ngày sẽ có hiệu quả rất cao. Để phát huy tối đa hiệu lực của thuốc, cần chú ý một số vấn đề sau: phun trải đều trên ruộng, không sợ chồng mí, để không bị sót cỏ; sau khi phun thuốc từ 1 - 3 ngày nên đưa nước vào ruộng.

Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc Nominee theo hướng khắc phục sau khi đã sử dụng thuốc tiền nảy mầm khác mà còn sót cỏ. Thực tế sản xuất tại Diên Khánh cho thấy, sau khi gieo sạ, bà con nông dân sử dụng thuốc tiền nảy mầm để phun. Nhưng do trong khi làm đất không tạo được mặt bằng của ruộng (có chỗ trũng đọng nước, chỗ cao bị khô); do thời tiết mưa nắng thất thường, nhất là trong vụ Đông - Xuân, nên hiệu lực của thuốc bị ảnh hưởng. Nhóm cỏ hòa bản, nhất là cỏ lồng vực còn sót lại nhiều. Để khắc phục, bà con nông dân phải nhổ cỏ bằng tay tốn rất nhiều công sức.

Kết quả nghiên cứu thử nghiệm của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) Diên Khánh cho thấy, giai đoạn 40 - 45 ngày sau khi gieo vẫn có thể sử dụng thuốc Nominee để tiêu diệt cỏ lồng vực còn sót. Biện pháp này chi phí thấp hơn rất nhiều so với nhổ cỏ bằng tay. Thuốc cũng hoàn toàn không ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Với kết quả này, Trạm đã phổ biến cho các HTX và các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV trong huyện hướng dẫn bà con nông dân áp dụng và được người nông dân chấp nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp cải tiến khắc phục. Để phòng trừ cỏ tốt, đỡ tốn kém, bà con nông dân nên chủ động sử dụng thuốc Nominee ngay từ đầu vụ như trình bày ở trên.

HUỲNH NGỌC AN
(Chi cục Bảo vệ thực vật Khánh Hòa)