03:05, 17/05/2003

Kinh tế tập thể - Đã có chuyển biến

Thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) và thực hiện đường lối chủ trương của Đảng về đổi mới và phát triển HTX, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương (NQTW) 5 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT)”, KTTT ở tỉnh ta bước đầu đã có những chuyển biến. Song, những chuyển biến này vẫn còn đang trong chặng đường tạo đà cho một giai đoạn phát triển về lâu dài.

Thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) và thực hiện đường lối chủ trương của Đảng về đổi mới và phát triển HTX, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương (NQTW) 5 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT)”, KTTT ở tỉnh ta bước đầu đã có những chuyển biến. Song, những chuyển biến này vẫn còn đang trong chặng đường tạo đà cho một giai đoạn phát triển về lâu dài.

ĐÃ CÓ CHUYỂN BIẾN

Đóng tàu đánh bắt xa bờ ở HTX Thống Nhất.

Năm 1997, KTTT tỉnh ta đã tiến hành chuyển đổi để hoạt động theo Luật HTX. Các địa phương trong tỉnh đã giải quyết xong các HTX yếu kém, tồn tại dưới danh nghĩa hình thức; đồng thời xây dựng nhiều mô hình hợp tác đơn giản như: tổ hợp tác, tập đoàn sản xuất, tổ đoàn kết tương trợ… để giúp nhau trong hoạt động sản xuất và đời sống. Đây là những hình thức hợp tác tự nguyện xuất phát từ nhu cầu thực tế của người lao động theo nguyên tắc: “Tự chủ - tự quản - tự chịu trách nhiệm”. Cùng với NQTW 5 về phát triển KTTT, các mô hình này được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện để hoạt động. Tuy vậy, những mô hình này không giữ vai trò quyết định cho sự lớn mạnh của KTTT.

Hạt nhân của khu vực KTTT là hoạt động của các HTX. Trong những năm qua, hoạt động của các HTX đã có những chuyển biến rất cơ bản. Toàn tỉnh có 124 HTX được chuyển đổi và thành lập mới theo quy định của Luật HTX. Đáng chú ý phải kể đến các HTX nông nghiệp. Đầu những năm 80, tỉnh ta có 116 HTX nông nghiệp tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất, xã viên là người lao động được thừa nhận khả năng của mình dựa trên công điểm. Nhưng từ khi có Luật HTX, các HTX này đã tiến hành chuyển hẳn sang các hoạt động dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp để phục vụ cho xã viên sản xuất.

Từ khi hoạt động theo Luật HTX, đã có 72 HTX tự giải thể vì không đủ điều kiện chuyển đổi để hoạt động. Những HTX đã được chuyển đổi bước đầu hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Hoạt động của loại hình HTX không còn có sự gò ép, áp đặt như trước kia. Xã viên là người lao động tự nguyện, vai trò của xã viên được đề cao theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng. Quyền lợi và nghĩa vụ của xã viên cũng như trách nhiệm và quyền hạn của Ban Quản trị được quy định chặt chẽ, những biểu hiện mất dân chủ, thiếu tinh thần trách nhiệm liên quan đến lợi ích chung của HTX được khắc phục.

Do tính chất của từng HTX rất khác biệt nên quy mô về vốn, lao động và tổ chức sản xuất kinh doanh cũng khác nhau. Nhờ chuyển đổi theo Luật, nhất là từ khi có NQTW 5 về phát triển KTTT và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, các HTX đã cải cách được công tác quản lý điều hành. Công tác quản lý HTX được giao cho Ban Quản trị, còn chủ nhiệm phụ trách về điều hành các hoạt động dịch vụ và tổ chức kinh doanh, tăng thu nhập cho HTX. Qua đó, số HTX nông nghiệp khá giỏi đã đảm nhận được 70 - 80% nhu cầu dịch vụ đầu vào để phục vụ xã viên trong sản xuất; nguồn vốn quỹ được bảo toàn và tăng lên thấy rõ. Các HTX phi nông nghiệp cũng đã có bước chuyển biến mới: Khối vận tải đã thực hiện chuyển chủ sở hữu các phương tiện vận tải về cho xã viên, HTX chỉ tổ chức hoạt động ở khâu dịch vụ nên việc tranh chấp, đùn đẩy trách nhiệm giữa xã viên và HTX được hạn chế; khối HTX Tín dụng hoạt động tích cực, có hiệu quả, giải quyết tốt nhu cầu vay vốn để phục vụ xã viên, thu hồi vốn đúng kỳ hạn theo quy định của Nhà nước… Hiện nay, nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Liên minh HTX đã phối hợp xây dựng 1 Liên hiệp HTX ở Ninh Hòa.

Qua 5 năm thực hiện Luật HTX và 1 năm triển khai thực hiện NQTW 5, một số HTX đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức tư tưởng trong cán bộ, đảng viên về vai trò quan trọng của các HTX, về mô hình HTX kiểu mới cũng như các chính sách ưu đãi cần thiết đã được nâng lên, giúp các HTX củng cố và phát triển. Niềm tin của xã viên với HTX và tinh thần của cán bộ quản lý cũng được nâng lên một bước.

VẪN CÒN KHÓ KHĂN

Mặc dù đã có những cơ sở pháp lý và nhiều chính sách ưu đãi thúc đẩy KTTT phát triển, những bước chuyển biến của KTTT vẫn chưa đủ mạnh, chưa có bước đột phá để thúc đẩy sự phát triển chung. Hiện nay, nhiều HTX vẫn còn gặp khó khăn, nợ tồn đọng trong nội bộ HTX chưa được giải quyết, nội dung hoạt động còn thu hẹp, thiếu vốn hoạt động, các HTX chưa có gì làm cơ sở để thế chấp vay vốn. Trong khi đó, nguồn tài sản của các mô hình KTTT lại chủ yếu dựa vào nguồn vốn cổ phần từ xã viên đóng góp nhưng nguồn lãi hàng năm được chia theo cổ phần rất thấp (một xã viên góp vốn 300.000 đồng chỉ được hưởng lợi nhuận cổ phần 20.000 đồng/năm) nên tạo ra tư tưởng không mấy an tâm khi tham gia góp vốn vào HTX. Hơn nữa, nhiều xã viên HTX là những người nghèo, rất cần công việc làm với thu nhập ổn định; nhưng hiện nay, sản phẩm của nhiều HTX làm ra lại thiếu thị trường tiêu thụ, gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

Đã biết, nỗ lực theo hướng tự thân vận động là rất khó, KTTT cần phải có sự cộng hưởng của nhiều ngành, nhiều cấp mới có thể đủ sức đứng vững trong cơ chế thị trường. Vừa qua, tỉnh đã bổ sung một số chính sách ưu đãi cho lĩnh vực KTTT. Hy vọng trên chặng đường “đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT”, mô hình KTTT ở tỉnh ta sẽ có nhiều khởi sắc hơn.

LÊ HOÀNG TRIỀU

Tính đến cuối năm 2002, toàn tỉnh có 72 HTX nông nghiệp, 52 HTX phi nông nghiệp được chuyển đổi và thành lập mới hoạt động trên nhiều lĩnh vực, giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động. Nhiều HTX làm ăn có hiệu quả, nộp ngân sách cao, mức thu nhập của xã viên ổn định từ 500 - 1 triệu đồng/người/tháng như: HTX Vĩnh Phước, HTX Thủy sản Thống Nhất, HTX Vận tải 1-5, HTX Vận tải Hòa Bình…