08:10, 17/10/2018

Thiết kế ô tô chuyển mình đáp ứng tương lai điện và số hóa

Thế giới tương lai sẽ như thế nào? Đó là câu hỏi mà con người luôn tự vấn bản thân kể từ ngày đầu hiện diện trên Trái đất. Với chiếc xe ý tưởng Aicon, Audi đã cố gắng giải đáp câu hỏi này, ít nhất là trong ngành công nghiệp ô tô. 
 

Thế giới tương lai sẽ như thế nào? Đó là câu hỏi mà con người luôn tự vấn bản thân kể từ ngày đầu hiện diện trên Trái đất. Với chiếc xe ý tưởng Aicon, Audi đã cố gắng giải đáp câu hỏi này, ít nhất là trong ngành công nghiệp ô tô. 
 
Xe điện tự hành sẽ là mục tiêu của ngành công nghiệp ô tô trong vài thập kỷ tới.

Xe điện tự hành sẽ là mục tiêu của ngành công nghiệp ô tô trong vài thập kỷ tới.

 
Thay đổi là điều tất yếu
 
Tương tự như ý tưởng về F105 của Mercedes-Benz, Aicon là mô hình thể hiện tầm nhìn từ phía Audi về phương tiện di chuyển của tương lai. Khi những chiếc ô tô đều vận hành bằng điện với pin tích hợp và được trang bị đầy đủ các dịch vụ chia sẻ, chúng sẽ phải thay đổi toàn diện về kết cấu. Hơn thế nữa, việc những chiếc xe cũng triển khai mạnh công nghệ tự hành không người lái hoàn chỉnh đồng nghĩa rằng nhiều thành phần điều khiển của quá khứ sẽ bị loại bỏ. 
 
Kết hợp những yếu tố nói trên lại với nhau, một chiếc ô tô buộc phải từ bỏ những nét thiết kế truyền thống đã tồn tại hơn một thế kỉ qua. Với nhiều người, những thay đổi ấy thể hiện ngay vào lúc này trên Aicon có thể vẫn mang màu sắc viễn tưởng. Tuy nhiên, bất kì ai có quan sát sự phát triển gần đây của ngành công nghiệp ô tô, không khó để nhận thấy tương lai ấy đang tới gần hơn bao giờ hết. 
 
Thay đổi đầu tiên chính là ở thân vỏ, nhằm tối ưu hóa cao độ về khí động học. Trên Aicon, điều này thể hiện từ lốp kín tuyệt đối cho tới hệ thống phanh nhỏ gọn hơn đáng kể. Việc xe vận hành hoàn toàn bằng điện, cùng với cơ chế tự lái tối ưu khiến nhu cầu tiết kiệm năng lượng tăng lên để chiếc xe có thể đi xa hơn. 
 
Ma trận LED sẽ thay thế hệ thống đèn truyền thống trên ô tô.
Ma trận LED sẽ thay thế hệ thống đèn truyền thống trên ô tô.
 
Cùng với đó, khả năng dự báo và chủ động xử lý sớm các tình huống khẩn cấp song song với cơ chế hãm tốc nhờ đảo dòng điện một chiều vào mô tơ, khiến vai trò của hệ thống phanh không còn quá quan trọng trong tương lai. Do không phải phanh thường xuyên, cùm và đĩa phanh có thể lắp sâu hẳn vào trong, trong khi vành xe cũng không cần có thiết kế nan để đẩy gió làm mát toàn bộ cụm phanh như bấy lâu nay. 
 
Thứ đến, với những mẫu xe có khả năng tự hành cao độ và không sinh tiếng động do vắng bóng động cơ đốt trong, việc có thể giao tiếp với môi trường xung quanh lại trở thành nhu cầu thiết yếu. Thực tế, tới nay chưa có giải pháp nào lý tưởng hơn là những ma trận đèn LED và hầu hết các hãng xe đều theo đuổi cách tiếp cận này. Giải pháp của Audi có gì đó giống với các bảng điện tử ở sân vận động hay biển hiệu quảng cáo, cho phép hiển thị các thông điệp khác nhau khi cần.
 
Chưa dừng ở đó, không vô lăng, không bàn đạp ga, không bàn đạp phanh... là những thay đổi mà người tiêu dùng buộc phải chấp nhận bên trong khoang lái. Với nhiệm vụ chính là đón và đưa hành khách tới đích, những chiếc xe thương mại trong tầm nhìn của Audi sẽ không cần tới tương tác của người cầm lái. Đổi lại, những hành khách trên xe sẽ được hưởng thụ không gian thực sự thoải mái với ghế gần như saloon trong phòng khách, thậm chí là nằm ngang với độ ngả chưa từng có trên bất cứ dòng xe nào. 
 

 

Những tấm ốp đen thực chất đều là màn hình hiển thị cảm ứng.
Những tấm ốp đen thực chất đều là màn hình hiển thị cảm ứng.
 
Tuy nhiên, khi chứng kiến những chiếc ghế có thể trượt hẳn về phía sau, cách xa bảng điều khiển táp lô, điều gì sẽ xảy ra khi bạn cần vặn nhỏ âm lượng hay tăng điều hòa lên chút ít?. Thực tế, Audi đã đưa ra một số giải pháp hết sức thông minh để đáp ứng nhu cầu này. Giao diện người dùng của xe gần như bao trọn khoang hành khách. Nhờ một vòng tròn màn hình khép kín, nó có thể hiển thị các trình đơn mệnh lệnh tùy theo hành khách ngồi ở đâu. Nói cách khác, các bảng điều khiển sẽ "bám đuôi" bạn đến mọi nơi trên xe. 
 
Hỗ trợ cho thao tác điều khiển bằng tay là hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), thứ sẽ đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống điều khiển ô tô tương lai, cũng được tích hợp thử nghiệm trên Aicon. Đây cũng chính là lý do tại sao cái tên mà Audi chọn cho chiếc xe ý tưởng của mình khởi đầu bằng (AI). Mang tên gọi PIA, trợ lý ảo của Aicon có kí hiệu hình tam giác và sẵn sàng tương tác với người ngồi trên xe ở mọi nơi mọi lúc. Vào lúc này, PIA đã khá hoàn thiện kĩ năng nhận lệnh và có thể trao đổi khá tự nhiên với con người. Với khoảng thời gian 3-4 năm tới, Audi sẽ phát triển công nghệ này hoàn thiện hơn, trước khi thực sự ứng dụng vào phục vụ con người trong thực tế. 
 
Tuy nhiên, có lẽ phần thú vị nhất của cơ chế tương tác giao diện người dùng của Aicon là ở khả năng phản hồi ánh mắt. Chỉ bằng thao tác nhìn tới một mục trên trình đơn vài giây, người dùng có thể chọn nó, sau đó gõ hai lần vào phần gỗ trên cánh cửa để kích hoạt. Dù nghe trên lý thuyết khá nhàm chán, thực hiện quy trình này trên thực tế đem lại cảm giác khá tự nhiên và chút màu sắc "ma thuật". 
 
Vào lúc này, nhiệm vụ chính của Aicon vẫn là thu hút ánh nhìn và phần nào đem tới những trải nghiệm thế giới xe tương lai trong thực tại.
Vào lúc này, nhiệm vụ chính của Aicon vẫn là thu hút ánh nhìn và phần nào đem tới những trải nghiệm thế giới xe tương lai trong thực tại.
 
Nhìn chung, sau vài năm tồn tại dưới dạng xe ý tưởng và được cải tiến liên tục, Aicon vẫn mang hơi hướng của sản phẩm đến từ thế giới tương lai. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm tới, đây sẽ là thiết kế phổ biến của những chiếc xe điện tự hành, phương tiện được cho là chủ đạo trong mô hình giao thông tương lai của loài người.  
 
Theo HNMO