Nếu như du khách tới Việt Nam luôn thích thú với những chiếc xích lô và đầy phấn khích khi trải nghiệm Tuk Tuk tại Thái Lan, thì Philippines - quốc đảo cực Tây của cộng đồng ASEAN - lại nổi tiếng với những chiếc Jeepney.
Nếu như du khách tới Việt Nam luôn thích thú với những chiếc xích lô và đầy phấn khích khi trải nghiệm Tuk Tuk tại Thái Lan, thì Philippines - quốc đảo cực Tây của cộng đồng ASEAN - lại nổi tiếng với những chiếc Jeepney.
Một ngày tháng 11, do yêu cầu công việc, đoàn phóng viên chúng tôi gồm 10 người đã có dịp ghé qua Philippines. Để tiện cho việc di chuyển, phía đối tác giao cho mỗi người một chiếc xe ô tô. Trước khi lên đường, hướng dẫn viên người bản địa hào hứng phổ biến những quy định cơ bản khi di chuyển trên các cung đường của Philippines. Thực tế, hầu hết các quy định giao thông của quốc đảo này khá tương đồng với Việt Nam - kể cả những "luật bất thành văn".
Sau một bài thuyết trình dài dằng dặc, người hướng dẫn viên "chốt" lại một câu chắc nịch: "Các bạn có thể vượt xe, xin đường thoải mái. Nhưng nếu gặp hai "hung thần" là xe ba bánh và đặc biệt là những chiếc Jeepney, làm ơn hãy tránh xa ra một chút. Nếu đối đầu, bạn sẽ thua chắc!". Dĩ nhiên, thông tin này không khỏi khiến chúng tôi lo lắng, nhưng cũng xen lẫn chút tò mò.
Những chiếc Jeepney đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp tại thành phố Angeles (Pampanga, Philippines). |
Chỉ sau ít phút cầm lái trên các con đường nối giữa Manila và Clark của Philippines, chúng tôi mới thấm thía những dặn dò của anh chàng tốt bụng ấy. Thực tế, bạn có thể bặt gặp những chiếc Jeepney ở mọi nơi, mọi chỗ. Đôi khi, chúng nối đuôi chạy lừ lừ như những chiếc... xe tăng khiến các phương tiện khác đều e dè tránh né - dù phần lớn người cầm lái Jeepney đều di chuyển khá từ tốn.
Giá đi Jeepney khá rẻ, chỉ khoảng...200 VNĐ/km. |
Sau ít phút tìm hiểu từ "bác Gúc" (Google), chúng tôi "phát hiện" ra rằng, thực tế tên gọi Jeepney bắt nguồn từ cách chế tạo những chiếc xe này - vốn ban đầu được làm từ các xe jeep của quân đội Mỹ để lại từ chiến tranh thế giới thứ hai. Bản thân Jeepney cũng là một từ ghép - một số nguồn coi từ này là kết hợp của hai từ "jeep" và "jitney" -"rẻ tiền", trong khi các nguồn khác coi nó là sự kết hợp giữa "jeep" và "knee" - "đầu gối", bởi vì các hành khách ngồi rất sát nhau.
Một chiếc Jeepney điển hình với phần đầu "mượn" từ chiếc Jeep của quân đội Mỹ. |
Khi quân đội Mỹ bắt đầu rời khỏi Philippines vào cuối Thế chiến II, hàng trăm chiếc xe Jeep dư ra đã được bán hoặc tặng cho người Philippines. Những xe này sau đó được tháo dỡ và cải tiến tại chỗ. Mái xe bằng kim loại đã được thêm vào để che nắng và những chiếc xe được sơn màu sống động với đồ trang trí mạ crôm ở hai bên thân xe và nắp ca-pô. Phần ghế phía sau được cấu hình lại với hai băng ghế dài song song để hai hàng hành khách ngồi đối mặt nhau. Kích thước, chiều dài và số lượng hành khách trên xe đã tăng lên theo sự phát triển qua nhiều năm.
Một chiếc Jeepney với phần thùng được cải tiến cho việc chở hàng. |
Jeepney nhanh chóng trở thành một phương tiện giao thông công cộng phổ biến và không quá đắt đỏ trong bối cảnh Philippines đối mặt với nhiều khó khăn sau Đại chiến thế giới lần thứ hai. Tại Manila, mỗi ngày có tới hơn 50.000 chiếc Jeepney di chuyển trên mọi tuyến phố - chưa kể tới các nơi khác.
Mỗi chủ xe Jeepney đều cố gắng trang trí cho "cục cưng" của mình thật bắt mắt để hút khách. |
Nhận thức được sự phổ biến của loại phương tiện này, chính phủ đã bắt đầu điều chỉnh việc sử dụng chúng bằng những quy định chăt chẽ hơn. Theo đó, lái xe phải có giấy phép chuyên ngành, các tuyến đường cố định và giá vé hợp lý. Tuy nhiên, vẫn có một số tuyến, lái xe khai thác bất hợp pháp. Chúng được gọi chính thức là các tuyến xe "colorum" do đặc điểm màu sắc của các xe này chỉ ra đây là xe tư nhân, không phải xe công cộng. Với những chiếc Jeepney trên đường cao tốc, xe bắt buộc phải có cửa sau, đôi khi có thể đóng mở tự động theo điều khiển của tài xế.
Nhiều chủ xe để nguyên lớp vỏ kim loại trần của xe khá đẹp mắt, đồng thời cũng để chống hấp thu nắng nóng. |
Hơn 60 năm sau Thế chiến thứ hai, người dân Philippines đi lại bằng Jeepney trong cuộc sống hàng ngày. Hầu hết xe không có người soát vé riêng. Thay vào đó, tài xế sẽ vừa điều khiển xe, vừa kiêm luôn vai thu tiền. Khách đi xe tự động đưa tiền cho lái xe nếu ngồi gần, hoặc nhờ mọi người chuyền tay nhau những đồng xu tiền vé nếu phải ngồi xa lái xe. Thông thường, nếu loanh quanh trong phố, mỗi chuyến đi rất rẻ - chỉ tương đương khoảng 5.000-20.000 đồng tiền Việt, tuỳ khoảng cách và thời gian di chuyển.
Trên thân xe luôn có thông tin liên hệ, điểm đến và số người tối đa mà xe có thể chở. |
Khi những chiếc Jeepney cũ đã bắt đầu xuống cấp, một thế hệ Jeepney mới đã được chế tạo thay thế. Trong số những thương hiệu Jeepney tại Philippines, nổi tiếng nhất là Sarao - công ty vốn bắt đầu sản xuất những chiếc đầu tiên vào năm 1953. Trước khi các lò sản xuất sân sau phát triển, Sarao Motors và Francisco Motors là những nhà sản xuất Jeepney lớn nhất - thậm chí xuất sản phẩm sang cả châu Âu. Lúc cao điểm, tỷ lệ xe Jeepney của Sarao lăn bánh trên đường phố thủ đô Manila đông hơn những nhà sản xuất khác gấp gần 7 lần.
Bên trong một chiếc Jeepney. |
Trên những chiếc Jeepney "mới", thay đổi lớn nhất là việc bổ sung thêm động cơ êm ái, tiết kiệm hơn (chủ yếu lấy của xe Isuzu hay Mitsubishi), thay thế các thành phần (chủ yếu mượn từ những dòng xe Nhật Bản). Nhiều lò sản xuất Jeepney vẫn cố gắng duy trì phần đầu đặc thù chất Jeep như một nét đặc trưng không thể phai nhạt của dòng xe này.
Người dân địa phương cho biết, một chiếc Jeepney 20 chỗ với máy Isuzu, thân vỏ 75% thép không rỉ, có trang bị loa, đèn halogen, sườn nhôm vào khoảng 500.000 peso Philippines (tương đương hơn 200 triệu đồng). Người mua cũng có thể chỉ tậu riêng khung vỏ hoặc nhiều "tuỳ chọn" độc đáo khác. Tới nay, một số nhà sản xuất thậm chí còn úp mở về việc sẽ tung ra cả những mẫu Jeepney chạy điện.
Một chiếc Jeepney "hiện đại". |
Có thể nói, Jeepney đã thực sự trở thành nét đặc trưng trong văn hoá Philippines. Nói cách khác, nếu tới đảo quốc này mà chưa từng lên xe Jeepney thì coi như chuyến đi chưa thực sự trọn vẹn. Ai đó có thể không thích Jeepney vì tiếng ồn, sự chật chội hay nóng nực, nhưng nếu "chịu chơi", mỗi người sẽ có những trải nghiệm thực sự về cuộc sống của người bản địa.
Vì thế, mỗi khi đặt chân tới Philippines, bạn chắc chắn sẽ nhìn thấy Jeepney sặc sỡ lượn khắp các đường phố, không chỉ ở thủ đô Manila mà còn nhiều nơi khác. Khi ấy, bạn đừng quên vẫy thử một chiếc để lượn quanh và trải nghiệm cuộc sống tại quốc đảo xinh đẹp này.
Theo HNMO