Nhiều đơn vị được hưởng lợi từ việc tăng mạnh giá bán xe, nhưng thiệt thì chỉ có một, đó là người tiêu dùng.
Nhiều đơn vị được hưởng lợi từ việc tăng mạnh giá bán xe, nhưng thiệt thì chỉ có một, đó là người tiêu dùng.
Từ 1-7, giá xe ôtô ở Việt Nam sẽ có nhiều biến động, khi xe nhỏ không giảm giá hoặc giảm rất ít, trong khi những xe cỡ lớn từ 2,5 lít trở lên lại tăng giá mạnh vì những quy định mới về thuế TTĐB.
Những xe cỡ lớn từ 2,5 lít trở lên tăng giá mạnh |
Bỏ qua xe nhỏ một bên, vì mức giá giảm không đáng kể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu và khả năng mua xe của dân chúng tầm trung. Hãy xét đến những xe cỡ lớn, điều gì sẽ xảy ra?
Trước hết, như mọi người thấy, một làn sóng xe sang, siêu sang, siêu xe đã ồ ạt về nước trong tháng 6 để tránh thuế TTĐB mới. Một bộ phận những người cực giàu sẽ dốc tiền mua xe hiếm trước 1-7. Showroom bán chạy xe, khách hàng cũng tránh được thuế mới, như vậy cả hai cùng có lợi.
Nhưng ở phần lớn bộ phận xe sang khác thì sao. Nhiều thông tin cho thấy các showroom bán xe sang ngay cả showroom chính hãng đều có hiện tượng "hết hàng". Nhưng tôi e rằng không phải hết hàng, mà chỉ là "bài" của các đại lý. Họ gom xe trước 1-7 để tránh thuế, nhưng lại cố tình nói với khách là hết hàng, buộc khách muốn mua phải đợi sau 1-7, như vậy họ ăn chênh lệch giá bán vài trăm triệu một mẫu xe, đúng là làm giàu không khó.
Đại lý được lợi, hãng cũng được lợi trước mắt, nhưng về lâu dài chưa hẳn mọi chuyện đã suôn sẻ. Sau khoảng vài tháng biến động do ảnh hưởng của thuế, thị trường dần trở lại khuôn khổ. Những siêu xe, siêu sang hàng độc có thể sẽ về hạn chế hơn, hãng xe và đại lý có thể tìm cách giới thiệu những mẫu xe có dung tích giảm dần để có mức giá dễ chịu hơn.
Đại lý nếu không thể kiếm lợi kếch xù từ xe sang, có thể chuyển sang kinh doanh xe nhỏ hay bất cứ hình thức xe nào khác mà thị trường yêu thích. Mới đây lại có thông tin có thể sắp tới Bộ tài chính sẽ bỏ quy định của thông tư 20 hiệu lực từ năm 2011, nếu như vậy các showroom kinh doanh xe nhập sẽ nhộn nhịp trở lại, xe rẻ hơn sẽ về nước, thời hoàng kim của xe nhập có thể lại được khôi phục.
Dù thị trường thế nào, xe muốn về cảng và tới tay khách, cũng vẫn phải nộp đủ các loại thuế. Cơ quan thuế và sâu hơn là ngân sách chính phủ sẽ có thêm những khoản thu đáng kể. Người chịu đựng cuối cùng của tất cả những thay đổi chính sách này, là người tiêu dùng.
Xe hơi, đáng lẽ là thứ phương tiện giao thông an toàn, người dân nên được tiếp cận trong xã hội đương thời thì không, ở Việt Nam nó không phải là hàng xa xỉ nữa, mà là siêu xa xỉ. Với nhiều người, ôtô chắc là một ác mộng không dám nghĩ tới.
Theo VOV