Con số mà nhà sản xuất ghi trên giấy tờ xe về dung tích bình xăng là mức an toàn ở điều kiện bình thường, sẽ có sai số trong khi đổ xăng thực tế.
Con số mà nhà sản xuất ghi trên giấy tờ xe về dung tích bình xăng là mức an toàn ở điều kiện bình thường, sẽ có sai số trong khi đổ xăng thực tế.
Bình xăng là một trong những bộ phận quan trọng đồng thời nguy hiểm nhất trên mỗi chiếc xe từ ôtô tới xe máy. Để đảm bảo an toàn, hoạt động tốt, các bình xăng được thiết kế dày dặn, kín khít đồng thời có hệ thống ống dẫn từ vòi tới động cơ để đảm bảo hiệu suất cung cấp xăng cho quá trình đốt.
Thực tế, nhiều tài xế hay phàn nàn vì khi đổ xăng ở trạm, nếu bơm đầy khi bình kiệt, có thể dư tới 3-4 lít so với con số dung tích mà nhà sản xuất đưa ra. Ví dụ gần đây có trường hợp chiếc Lacetti dung tích ghi 60 lít, như đổ ở trạm xăng được hơn 63 lít.
Hầu hết các xe hiện nay chỉ có một bình xăng lớn, không có bình xăng phụ như xe đời cũ, nên dung tích thừa ra không phải do xe chạy kiệt cả hai bình xăng. Liệu có gì bất thường trong những trường hợp này?
Trả lời câu hỏi này, hầu hết các kỹ sư ở các hãng xe tại Việt Nam đều cho biết đây là hiện tượng bình thường. Bình xăng ôtô nếu để xuống đất bơm sẽ khác, lắp vào xe bơm lại được một mức khác. Chưa kể thời điểm bơm, chất lượng xăng khi bơm... đều ảnh hưởng. Tuy nhiên cũng phải kể tới sai số của thiết bị đo và con người.
Trước hết, lượng xăng bơm vào xe không chỉ lấp đầy bình xăng mà còn cả hệ thống đường ống dẫn, tùy vào cấu tạo mỗi xe mà có lượng thay đổi khác nhau, một chiếc sedan hạng trung thường cũng tốn khoảng 2-3 lít đường ống.
Bên cạnh đó, chất lượng xăng khi bơm cũng là yếu tố ảnh hưởng. Nhiều người thường khuyên đổ xăng và buổi sáng, tránh buổi trưa và ban đêm. Bởi lẽ buổi trưa là thời điểm nhiệt độ tăng cao khiến độ giãn nở của xăng tăng, buổi tối thường là thời điểm các trạm nạp xăng từ xe bồn, lượng xăng mới vừa đổ vào do va chạm nhiều cũng tăng lượng không khí, do đó bộ đếm ở cây xăng tăng lên vì chứa cả khí.
Khi đổ xe máy nhiều người có thói quen lắc bình xăng cũng là một cách làm thoát hết lượng khí ra ngoài để phần xăng chất lỏng chiếm chỗ được nhiều hơn.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn nhất, nhà sản xuất thường để con số thấp hơn đôi chút so với giá trị dung tích thực của bình xăng. Ví dụ bình xăng ghi 50 lít thì dung tích thực khoảng 52 lít. Xăng dầu không như nước, độ giãn nở phụ thuộc nhiệt độ là rất lớn.
Do đó để an toàn, hãng thiết kế để đổ xăng đến mức ngang với cần đánh dấu phía trong bình, không vượt quá, để thừa một khoảng không gian cho khí giãn nở, không gây cưỡng bức mất an toàn.
Để chiếc xe chạy ổn định, các kỹ sư khuyến cáo không nên để đầy tràn bình xăng, vừa gây mất an toàn vì nguy cơ cháy nổ, đồng thời lại tăng trọng lượng khiến xe chạy không thoát, có thể gây lãng phí nhiêu liệu.
Theo Vnexpress