08:10, 23/10/2014

Những thói quen khiến xe hơi dễ đoản thọ

Có những thói quen thường ngày tưởng như vô hại nhưng kỳ thực đang "giết dần giết mòn" xế yêu của bạn. Hãy xem và cùng tránh để xe bạn luôn trong tình trạng "sức khoẻ tốt".

Có những thói quen thường ngày tưởng như vô hại nhưng kỳ thực đang “giết dần giết mòn” xế yêu của bạn. Hãy xem và cùng tránh để xe bạn luôn trong tình trạng “sức khoẻ tốt”.

Đánh vô lăng hết cỡ

Theo một số chuyên gia ôtô, việc đánh hết vô lăng có hại là gây tụt áp lực dầu trong bơm trợ lực, nếu giữ trong thời gian dài có thể làm hỏng bơm trợ lực tay lái. Vì thế, lái xe không nên đánh hết vô lăng khi vào cua, đồng thời nên nhả vô lăng một chút khi phát hiện đang đánh hết vô lăng.

Đặc biệt, nên tạo thói quen trả vô lăng thẳng lúc dừng xe, đỗ xe trong ga-ra, để cho xe nghỉ ngơi hoàn toàn cũng như tránh tai nạn, va quệt có thể xảy ra khi chưa trả lái mà lái xe đã nổ máy, nhấn ga.

Ít hoặc không bao giờ sử dụng phanh tay

Đó là có thể là một cái pedal nhỏ gần chân trái của bạn hoặc là thanh gạt cạnh tay phải của bạn. Phanh tay rất cần thiết nhưng không ít người thường bỏ quên nó. Nếu bạn dừng xe trên dốc, hoặc thậm chí ở chỗ đất bằng mà không sử dụng phanh tay, bạn sẽ dồn toàn bộ trọng lượng của xe lên hộp số.

Trong hộp số lại chỉ có duy nhất một cái chốt nhỏ giúp giữ cho xe đứng yên. Vì thế bằng việc sử dụng phanh tay, bạn sẽ góp phần duy trì tuổi thọ của hộp số. Tuy nhiên, phải nhớ nhả phanh khi bắt đầu lên đường trở lại. Nên sử dụng phanh tay để duy trì tuổi thọ hộp số.

Chuyển từ số lùi sang tiến khi xe chưa dừng hẳn

Không ít người thường tiết kiệm thời gian tại khu đỗ xe bằng cách chuyển từ số lùi sang số tiến hoặc ngược lại khi xe chưa dừng hẳn. Với vài giây có vẻ là nhanh hơn này, bạn sẽ rút bớt vài tháng tuổi thọ của hộp số. Do vậy, hãy chuyển số khi xe đã dừng hẳn, chiếc xe chắc chắn sẽ thầm cám ơn bạn.

Rà phanh liên tục khi xuống dốc

Rà phanh liên tục trong khi xuống dốc có vẻ là cách an toàn nhất để làm chủ tốc độ khi thả dốc. Tuy nhiên, trong trường hợp dốc dài, việc rà phanh liên tục sẽ làm má phanh nóng lên và nhanh bị hao mòn. Vì vậy, giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là rà phanh rồi lại thả ra để vừa có thể kiểm soát tốc độ vừa bảo vệ hệ thống phanh xe khỏi bị hao tổn.

Quên thay dầu

Bạn cần thay dầu cho xe sau khi đi 5.000 dặm (khoảng 8.000 km). Đây là việc cần phải làm bởi sau khi vận hành một thời gian dài, dầu sẽ bị cặn và mất tác dụng bôi trơn cho động cơ. Bằng cách thay dầu đều đặn và đúng hạn, bạn không chỉ nâng gấp đôi tuổi thọ cho xe mà còn giúp động cơ hoạt động mạnh mẽ hơn.

Rửa động cơ bằng cách phun nước ở áp suất cao

Giữ xe sạch sẽ là một thói quen tốt nhưng phun nước áp lực mạnh vào động cơ sẽ là một hành động sai lầm. Nước phun mạnh sẽ cuốn bụi bẩn đi nhưng cũng khiến không ít bộ phận quan trọng trong động cơ bị lỏng hoặc bật ra.

Chính vì vậy, một động cơ bẩn mà hoạt động tốt sẽ có lợi cho xe hơn một động cơ sạch bóng nhưng "bị đơ".

Khởi động xe không đúng cách

Khởi động xe, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng kỳ thực điều này không hề giống với việc bật đài, mở ti vi hay bật điều hoà. Nhiều người thường vội vàng đi luôn ngay khi xe vừa khởi động. Điều này sẽ khiến động cơ nhanh bị hao mòn do phải làm việc nhiều trong khi chưa thật sẵn sàng. Ngược lại, có không ít người lại khởi động máy chỉ để làm nóng xe trong mùa đông. Hành động này chẳng những không làm xe ấm lên mà còn có hại cho động cơ nếu để quá lâu. Cách khởi động tốt nhất là lên đường sau khi làm nóng máy trong vòng 30 giây đến 1 phút.

Không để ý tới những tiếng động lạ trên xe

Mọi âm thanh trong xe đều báo hiệu một điều gì đó. Nếu bạn để ý, bạn sẽ phát hiện ra hỏng hóc hoặc sự cố để nhanh chóng khắc phục. Ví dụ nếu phanh kêu cọt kẹt có nghĩa là bạn cần một má phanh mới. Vì vậy, hãy luôn luôn lắng nghe xe bạn và điều này sẽ tốt cho cả hai.

Tháo hết hoặc chạy đến cạn xăng

Lái xe đến khi xăng trong bình cạn kiệt là một điều tối kị. Nếu để xăng trong bình cạn kiệt mà chúng ta vẫn cố tình chạy thì không khí sẽ bị lọt vào trong hệ thống cung cấp nhiên liệu. Trong lần nạp nhiên liệu tới thì sẽ có một thời gian xe hoạt động không ổn định vì khi đó thành phần hỗn hợp nhiên liệu có thể bị thay đổi đột ngột.

Đối với xe phun xăng điện tử, bơm xăng sử dụng không phải là bơm cánh gạt hay bơm bánh răng mà là loại bơm điện một chiều. Với loại bơm này, xăng sẽ được chuyển qua thân bơm, qua cả cổ góp và chổi than. Nếu để xăng cạn kiệt, không khí sẽ lọt vào và khi đó sẽ xuất hiện tia lửa điện ở cổ góp, chổi than nên rất dễ gây hỏa hoạn.

Vừa lái xe vừa chú ý việc khác

Đây là thói quen khó tránh của phần lớn các tài xế. Có thể là nhìn một cô gái đẹp hay anh chàng phong độ; vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại hay mải chú ý đến một sự kiện gì đó đang diễn ra... đều là nguyên nhân của không ít vụ tai nạn. Việc mất tập trung khi lái xe sẽ khiến xe bạn đi sai hướng, sai làn và tệ hơn là đâm vào đâu đó như gốc cây hay cột điện.

Theo Báo Lao động