11:07, 05/07/2022

Hỗ trợ Ninh Hòa xây dựng đề tài khoa học và công nghệ

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã làm việc với UBND thị xã Ninh Hòa về xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ năm 2023. Tại buổi làm việc, một số doanh nghiệp đã đề xuất xây dựng một số đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ thị xã.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã làm việc với UBND thị xã Ninh Hòa về xây dựng kế hoạch KH-CN, đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách KH-CN năm 2023. Tại buổi làm việc, một số doanh nghiệp đã đề xuất xây dựng một số đề tài, nhiệm vụ KH-CN hỗ trợ thị xã.


Đề xuất một số đề tài


Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa đề xuất Sở KH-CN xây dựng đề tài cấp tỉnh: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mô hình trồng nho gắn với phát triển du lịch sinh thái tại thị xã Ninh Hòa”. Ông Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cho biết, nho là cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều địa phương trồng và đạt kết quả tích cực, nhất là kết hợp với du lịch sinh thái. Tỉnh Khánh Hòa đang phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch nên việc xây dựng các khu du lịch sinh thái kết hợp mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ đem lại hiệu quả thiết thực để phát triển du lịch. Cũng theo ông Kiên, trang trại Moshav Farm do nhóm thanh niên trẻ khởi nghiệp tại xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa) sẽ phát triển mô hình trồng nho gắn với du lịch sinh thái. Mục tiêu đề ra là đánh giá tính thích ứng của các giống nho và hoàn thiện kỹ thuật canh tác phù hợp làm cơ sở xây dựng mô hình trồng nho kết hợp du lịch sinh thái tại trang trại Moshav Farm. Đồng thời, đề xuất giải pháp phù hợp phát triển bền vững mô hình trồng nho, chế biến sản phẩm từ quả nho phát triển du lịch sinh thái.

 

Mô hình thử nghiệm IMTA của Công ty TNHH Trí Tín  triển khai tại phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa.
Mô hình thử nghiệm IMTA của Công ty TNHH Trí Tín triển khai tại phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa.


Ông Lê Bền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín - doanh nghiệp chuyên sản xuất rong biển tại phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) đề xuất phát triển mô hình IMTA (nuôi biển đa canh tổng hợp) kết hợp du lịch. Đây là mô hình nuôi ghép trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản nhưng đơn vị đang thực hiện ở quy mô rất nhỏ. “Tận dụng nguồn thức ăn của các loài thủy hải sản trong cùng thủy vực để mang lại hiệu quả cao nhất, đó là IMTA. Rong sống tầng nổi; cá, tôm sống tầng giữa, da gai sống tầng đáy… Chất thải của loài này là thức ăn của loài kia. Vì thế, khống chế được ô nhiễm môi trường nuôi, tăng năng suất, hiệu quả đầu tư. Đây cũng là giải pháp cho nghề nuôi trồng ven biển đang gặp nhiều thách thức hiện nay”, ông Bền chia sẻ. Được biết, đơn vị đã thử nghiệm trên diện tích ao nuôi 300m2 thả nhiều đối tượng như: Rong nho, rong sụn, hàu Thái Bình Dương, vẹm xanh, hải sâm cát… Kết quả bước đầu cho thấy, các loài phát triển tốt, lớn nhanh, không gây ô nhiễm… Đơn vị sẽ đúc kết và triển khai giai đoạn 2 trong thời gian tới.


Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia buổi làm việc cũng đã đề xuất các vấn đề liên quan như: Phối hợp xây dựng và phát triển môi trường nuôi biển, bảo vệ môi trường; tăng cường phối hợp, kết hợp với doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ KH-CN để phát triển kinh tế địa phương thông qua ứng dụng các tiến bộ KH-CN; đề xuất phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại thị xã nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, ví dụ như triển khai và nhân rộng mô hình trồng nho, tạo điểm thu hút khách du lịch. Đồng thời, đề xuất triển khai các mô hình nuôi biển trên địa bàn; kết nối với doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ KH-CN; triển khai mô hình nuôi biển bằng vật liệu composite thay thế lồng nuôi gỗ truyền thống tại đầm Nha Phu; nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ trồng, sơ chế, bảo quản và sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu phù hợp với điều kiện của thị xã Ninh Hòa (cụ thể như cây xáo tam phân) và một số nhiệm vụ khác...


Địa phương mong được hỗ trợ


Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, thời gian qua, công tác KH-CN trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là công tác đề xuất, đăng ký nhiệm vụ KH-CN hàng năm chưa được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quan tâm, nghiên cứu; số lượng nhiệm vụ KH-CN đăng ký thực hiện vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, công chức phụ trách công tác KH-CN tại xã, phường và phòng, ban còn kiêm nhiệm, chưa có chuyên trách nên còn hạn chế trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện các nội dung yêu cầu về KH-CN…


Tại buổi làm việc, lãnh đạo thị xã đã kiến nghị sở và các cơ quan liên quan tăng cường hỗ trợ hướng dẫn địa phương trong hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học để triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH-CN hàng năm đảm bảo hiệu quả và đúng quy định. Đồng thời, hỗ trợ địa phương kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong công tác tư vấn xác định nhiệm vụ KH-CN hàng năm, cũng như xét duyệt đề cương và nghiệm thu đề tài cấp cơ sở; tăng cường phối hợp và hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, phổ biến và triển khai ứng dụng kết quả đề tài KH-CN cấp tỉnh đã được nghiệm thu; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức phụ trách KH-CN của thị xã và các xã, phường trên địa bàn.


V.L