Trước tình hình rong xà lách sau khi phát triển ồ ạt, tàn lụi gây ô nhiễm môi trường, 2 học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) đã tìm cách điều chế dịch chiết phân bón, nâng cao năng suất một số loại cây trồng. Giải pháp này đã đạt giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học 2021-2022.
Trước tình hình rong xà lách sau khi phát triển ồ ạt, tàn lụi gây ô nhiễm môi trường, 2 học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) đã tìm cách điều chế dịch chiết phân bón, nâng cao năng suất một số loại cây trồng. Giải pháp này đã đạt giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học 2021-2022.
Rong xà lách (tên khoa học là Ulva lactuca) và các loài thuộc chi này đều thuộc ngành rong lục, thường phát triển bám trên các bãi đá vùng triều. Khi hàm lượng dinh dưỡng nước biển cao, các loài thuộc chi này phát triển mạnh, tạo thành hiện tượng “thủy triều xanh”. Tại Nha Trang, các loài rong này thường xuất hiện ở bãi biển Hòn Chồng. Khi đến cuối mùa, rong tàn lụi, phân hủy gây mùi khó chịu, ô nhiễm môi trường. Em Chu Huỳnh Tín, học sinh lớp 11B - trưởng nhóm thực hiện đề tài cho biết: “Chúng em đã nghiên cứu, thu thập các loài rong này khi bước vào giai đoạn phân hủy để điều chế dịch chiết phân bón lá cho cây trồng nhằm giảm ô nhiễm môi trường do rong gây ra, đồng thời tạo ra một loại phân bón thân thiện với môi trường. Nhóm tìm kiếm một giải pháp đơn giản, hướng tới phổ biến rộng rãi cho các bạn học sinh, hộ gia đình có thể tự thực hiện được”.
Đề tài thực hiện trong 5 tháng. Nhóm đã tiến hành thu mẫu rong xà lách tại khu vực bãi đá Hòn Một và bãi biển Hòn Chồng. Để định danh khoa học mẫu rong này, các em phải nhờ đến sự trợ giúp của Thạc sĩ Trần Văn Huynh, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Theo nghiên cứu của Viện Sinh học nhiệt đới, rong xà lách có hàm lượng protein, lipid và tro cao, hoàn toàn có khả năng trở thành nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi.
Rong xà lách được thu từ vùng nước cạn khu vực bãi triều vào mùa rong phát triển ồ ạt. Mẫu thu về, các em phơi trong mát để giữ nguyên màu xanh của rong, có thể bảo quản lâu ngày trong các túi PET và hút chân không, trong điều kiện tối ưu khi chưa tiến hành nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu, các em đã hoàn thiện bộ tiêu bản gồm 6 mẫu rong xà lách. Để nghiên cứu dịch chiết, các em lấy 500g rong khô được rửa sạch nhiều lần bằng nước ngọt để loại bỏ muối, cát và tạp chất, sau đó phơi khô dưới mái che trong 1 - 2 ngày. Mẫu rong sau đó được xay thành bột và tiến hành nghiên cứu các điều kiện chiết xuất tối ưu; xác định thành phần protein, nitơ tổng, phôtpho tổng và kali có trong dịch chiết. Các em còn làm thí nghiệm sử dụng dịch chiết từ rong xà lách tác động kích thích khả năng nảy mầm của hạt đậu xanh và khả năng sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Cô Nguyễn Thanh Mai - giáo viên hướng dẫn cho hay, đây là đề tài có nhiều cái mới, nhưng không quá khó so với trình độ học sinh trung học (trừ việc định danh phải nhờ cố vấn khoa học). Việc điều chế dịch chiết từ rong biển, đặc biệt là sử dụng rong sinh khối khi bắt đầu bước vào giai đoạn lụi tàn nhằm ứng dụng làm phân bón lá, hỗ trợ sinh trưởng, phát triển của cây trồng, đồng thời góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường bờ biển. Phần bã rong sau khi chiết có thể được dùng làm thức ăn cho vật nuôi. Quy trình điều chế dịch chiết đơn giản, dễ thực hiện, có thể hướng dẫn và phổ biến cho các hộ gia đình tự thực hiện, phục vụ việc trồng rau sạch tại nhà. Dịch chiết thu cũng có thể phun trực tiếp trên lá, hoa màu, hoa hay bổ sung môi trường dinh dưỡng trong trồng trọt, nuôi trồng thủy canh. Ngoài ra, theo các nhà khoa học, đề tài nghiên cứu điều chế dịch chiết phân bón lá từ nguồn rong xà lách mang tính khoa học cao nhằm biến nguồn rong lục dễ gây ô nhiễm thành nguồn hoạt chất hữu ích trong nông nghiệp tại gia đình, cộng đồng.
V.L