02:06, 08/06/2022

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH-CN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch nhằm hỗ trợ DN, cơ sở ươm tạo, khởi nghiệp tiếp cận chính sách mới của Nhà nước, khuyến khích DN tham gia chương trình đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng.


Còn nhiều băn khoăn


Công ty TNHH Trí Tín thành lập năm 2002, được công nhận là DN KH-CN năm 2021. Thời gian qua, đơn vị đã thành lập Trung tâm Phát triển công nghệ rong biển, liên kết với nhiều nhà khoa học của Trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang… để hỗ trợ phát triển KH-CN. Trung tâm đã tập trung nghiên cứu công nghệ trồng rong, phát triển giống rong, các mô hình trồng rong năng suất cao, sản phẩm chế biến từ rong biển… Đơn vị cũng có mối quan hệ đối tác với nhiều DN ở nước ngoài như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… Tuy nhiên, theo ông Lê Bền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín, để hỗ trợ DN KH-CN phát triển, còn nhiều vấn đề đáng bàn về chính sách, cơ chế. Nhiều DN KH-CN là DN nhỏ, tiềm lực có hạn, gặp khó khăn khi nghiên cứu phát triển sản phẩm, vì thế, Nhà nước cần có chính sách cho mượn, cho thuê thiết bị, máy móc của các viện, trường để DN có thể triển khai các dự án KH-CN. Mặt khác, DN nhỏ gặp rất nhiều khó khăn về vốn đối ứng nên hiếm khi được cơ quan Nhà nước quan tâm đặt hàng. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN nhỏ có thể cạnh tranh, thể hiện sân chơi bình đẳng, trí tuệ...

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 10 DN KH-CN, hoạt động trong các lĩnh vực như: Công nghệ nhà yến, viễn thông, công nghệ thông tin, nuôi trồng thủy sản, sản xuất thực phẩm chức năng, cân tự động… Đến năm 2025, phấn đấu hỗ trợ, phát triển thêm 10-15 DN KH-CN; đến năm 2030, hỗ trợ và phát triển 40-50 DN KH-CN…

Nghiên cứu sản xuất mới tấm Nori từ rong biển của Công ty TNHH Trí Tín.


Công ty Cổ phần Farmtech Vietnam thành lập năm 2015, được công nhận DN KH-CN năm 2017. Đơn vị chuyên nghiên cứu ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin. Thời gian qua, đơn vị đã đạt một số thành tựu như: Xây dựng hệ thống mạng giám sát môi trường nông nghiệp, ngư nghiệp AEVISOR; hệ thống mạng xã hội nhà nông FMAN; phần mềm quản lý trang trại FMAN; phần mềm truy xuất nguồn gốc FMAN… Đơn vị đang nghiên cứu phát triển các thiết bị phục vụ ngành nuôi biển xa bờ. Theo ông Đỗ Trần Anh - Giám đốc công ty, khó khăn hiện nay là sau khi nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm mẫu hay mô hình trên máy tính, đơn vị thiếu vốn để sản xuất hàng loạt...


Sẽ có chính sách hỗ trợ

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 10 DN KH-CN, hoạt động trong các lĩnh vực như: Công nghệ nhà yến, viễn thông, công nghệ thông tin, nuôi trồng thủy sản, sản xuất thực phẩm chức năng, cân tự động… Đến năm 2025, phấn đấu hỗ trợ, phát triển thêm 10-15 DN KH-CN; đến năm 2030, hỗ trợ và phát triển 40-50 DN KH-CN…

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển DN KH-CN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch đề ra một số nội dung và giải pháp cần thiết, được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ một số vướng mắc đối với DN KH-CN trong tỉnh. Thứ nhất là tăng cường thông tin, phổ biến chính sách, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu về DN KH-CN trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ về chính sách pháp luật, các chương trình hỗ trợ DN và quảng bá hình ảnh các DN KH-CN tiêu biểu, điển hình, có nhiều thành tích. Thứ hai, các cơ quan chức năng phối hợp với các đơn vị chuyên ngành tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho DN về quản lý, điều hành; các cơ chế, chính sách phát triển DN, phát triển, xây dựng thương hiệu, vườn ươm đổi mới sáng tạo… Thứ ba, tập trung hỗ trợ ươm tạo, đăng ký thành DN KH-CN. Cụ thể là hỗ trợ DN kinh phí nghiên cứu KH-CN, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường tính cạnh tranh; hỗ trợ DN xác lập quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Thứ tư, hỗ trợ ưu tiên phát triển và ưu đãi cho DN KH-CN như: hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ; hướng dẫn DN tiếp cận, tham gia hay phối hợp thực hiện đề án KH-CN các cấp; hỗ trợ kinh phí cho DN tự đầu tư nghiên cứu KH-CN hay mua kết quả từ DN; giới thiệu DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị để Quỹ Phát triển DN nhỏ cho vay vốn. Ngoài ra, còn có hoạt động vinh danh, khen thưởng đối với DN KH-CN…


V.L