Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) vừa sản xuất thành công phân sinh học từ rong sụn nuôi trồng tại vùng biển Nam Trung Bộ.
Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) vừa sản xuất thành công phân sinh học từ rong sụn nuôi trồng tại vùng biển Nam Trung Bộ.
Công trình cấp Nhà nước
Rong sụn (Kappaphicus alvarezii) là nguyên liệu chủ yếu để chế biến Carrageenan (chiếm 45-50% trọng lượng rong khô). Đây là chế phẩm sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: thực phẩm, mỹ phẩm, y dược, nông nghiệp… Ở nước ta, vùng biển các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận trồng nhiều loại rong này.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Hoàng Như Khánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, việc nghiên cứu, chế tạo phân bón lá sinh học giàu oligocarrageenan (đơn phân của Carrageenan) và phân vi sinh từ sinh khối rong sụn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất một số cây trồng quan trọng tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đây là chương trình cấp Nhà nước do viện thực hiện từ năm 2018, dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Phạm Trung Sản. Công trình nhằm xây dựng một hệ thống công nghệ khép kín, không chất thải từ nuôi trồng tạo nguồn nguyên liệu; thu hoạch, chiết xuất, thủy phân Carrageenan, điều chế phân bón lá giàu oligocarrageenan. Bã rong được tái sử dụng điều chế phân bón lá phối trộn cùng vi sinh vật bản địa tại Tây Nguyên để điều chế phân hữu cơ vi sinh. Việc phổ biến đề tài rộng rãi hy vọng sẽ giảm mạnh lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đảm bảo năng suất cây trồng.
Hiệu quả vượt trội
Sau hơn 3 năm thực hiện, năm 2021, công trình thu được kết quả khả quan. Các nhà khoa học của viện đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi trồng rong sụn đạt năng suất, chất lượng cao phục vụ sản xuất phân bón. Mô hình nuôi trồng giàn căng trên đáy phù hợp với các địa hình vùng nước cạn và giàn phao nổi phù hợp với vùng nước sâu đã được chuyển giao và tập huấn cho hộ nông dân tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, năng suất đạt 10 tấn rong khô/năm đối với mỗi loại mô hình; đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất phân bón. Công trình đã xây dựng được 2 quy trình sản xuất, gồm: sản xuất chế phẩm phân bón lá giàu oligocarrageenan TN06-1, quy mô 300 lít/ngày; sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã rong sụn sau chiết phân bón lá, kết hợp với vi sinh vật bản địa TN06-2, quy mô pilot đã được hoàn thành. Đồng thời, công trình hoàn thiện 3 quy trình: sử dụng phân bón lá TN06-1 cho cây bắp; sử dụng chế phẩm phân bón lá TN06-1 cho cây cà phê; sử dụng chế phẩm phân hữu cơ vi sinh TN06-2 cho cả bắp và cà phê. Kết quả, phân bón lá TN06-1 làm tăng năng suất thu hoạch hạt bắp lên 18,3%, lợi nhuận tăng 33,6%, tương đương 6,54 triệu đồng/ha; tăng năng suất thu hoạch hạt cà phê nhân lên 11%, lợi nhuận tăng 23,5%, tương đương 13,7 triệu đồng/ha…
Tiến sĩ Phạm Đức Thịnh - Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ sở đánh giá rất cao nghiên cứu của các nhà khoa học trong việc hoàn thành công trình với chất lượng cao, bảo đảm tiến độ, xây dựng các quy trình khoa học có ý nghĩa thiết thực với phát triển và liên kết kinh tế của các vùng kinh tế, đặc biệt khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Quang Viên