Bằng cách sử dụng tế bào gốc đa năng của con người để nuôi da nhân tạo, các nhà khoa học tìm được giái pháp chữa hói đầu hiệu quả.
Bằng cách sử dụng tế bào gốc đa năng của con người để nuôi da nhân tạo, các nhà khoa học tìm được giái pháp chữa hói đầu hiệu quả.
Nhóm nghiên cứu Đại học Harvard, Mỹ đã sử dụng tế bào gốc đa năng của con người để nuôi dưỡng các cơ quan dưới da, kích thích mọc tóc. Đây là một bước đột phá mới trong lĩnh vực da nhân tạo điều trị hói đầu và vết thương.
Da là cơ quan đa lớp phức tạp trên cơ thể, là cơ quan trung gian cho các nhận thức và cảm giác, tham gia vào nhiều quá trình như điều chỉnh nhiệt độ, duy trì thân nhiệt, bảo vệ và chống lại những tác động bên ngoài.
Karl Koehler, trợ lý giáo sư khoa tai mũi họng, Đại học Harvard, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết việc tạo ra các mô và tế bào da trong ống nghiệm thường khó khăn vì các tế bào này không phát triển trong môi trường bình thường mà phải được hình thành trong môi trường ba chiều nhờ các phân tử tín hiệu tế bào.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm từng bước thay đổi các yếu tố tăng trưởng Beta (TGFβ) và yếu tố tăng trưởng nguyên sợi bào (FGF) để tạo ra biểu mô và tế bào mào thần kinh. Hai tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sự phát triển các nang tóc. Thông thường, những người ít tóc và bị hói đầu đều ít hoặc thiếu hai loại tế bào này.
Các nhà khoa học đã nuôi cấy da trên lưng chuột trong phòng thí nghiệm. Để tóc có thể mọc lại trên da cấy ghép, làn da này phải chứa các thành phần giống da bình thường gồm nang tóc, tế bào melanocytes, tế bào miễn dịch, tuyến mồ hôi, bã nhờn, dây thần kinh, cơ, và biểu bì.
Sau 5 tháng cấy ghép, da được nuôi cấy nhờ các tế bào gốc đa năng của con người trên lưng chuột, đã hình thành đầy đủ các thành phần giống làn da bình thường, các nang tóc xuất hiện và 55% số lượng tóc đã mọc trên da nhân tạo.
"Tóc được kích thích bởi melanocytes, phát triển từ các tế bào mào thần kinh và biểu mô. Sau đó, các tuyến bã nhờn, dây thần kinh và các thụ thể, cơ và mô mỡ liên quan đến nang lông bắt đầu hình thành, dần dần một làn da có tóc mới sẽ được hoàn chỉnh", Karl Koehler cho biết.
Ngoài tiềm năng chữa bệnh hói đầu, kết quả nghiên cứu này có thể được ứng dụng trong việc chữa lành vết thường, ngăn ngừa sẹo. Sau khi thử nghiệm thành công trên lưng chuột, nhóm dự định thử nghiệm trực tiếp trên người để so sánh và đánh giá. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 3/6.
Theo vtc