Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài "Quy trình trồng và chăm sóc bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Khánh Hòa"...
Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Quy trình trồng và chăm sóc bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Khánh Hòa”. Kết quả đề tài cho thấy, các vườn bưởi được ứng dụng quy trình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP sinh trưởng và phát triển tốt, sản phẩm thu được ít bị nhiễm sâu bệnh, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), năng suất cao hơn từ 15 đến 17% so với vườn bưởi đối chứng...
Năng suất, lợi nhuận cao
Hộ ông Nguyễn Văn Nhân - thành viên Hợp tác xã (HTX) Cây ăn quả Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh (một trong những hộ tham gia mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP của đề tài) có gần 2ha bưởi da xanh đã 5 - 6 năm tuổi. Cách đây gần 3 năm, gia đình ông được hỗ trợ xây dựng mô hình chăm sóc bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, cùng với các kỹ thuật viên của nhóm nghiên cứu, vườn bưởi của gia đình ông được chăm sóc rất kỹ từ khâu bón phân, làm đất cho đến cắt tỉa cành… Nhờ tuân thủ quy trình chặt chẽ nên vườn bưởi của gia đình ông phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao. Hiện nay, 2ha bưởi của ông đã cho thu hoạch, với giá bán tại vườn khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg, năng suất đạt hơn 10 tấn/ha/năm, sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ nhiệm HTX Cây ăn quả Khánh Đông, HTX có 4 mô hình tại thôn Suối Thơm được đề tài chọn thực hiện thâm canh bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 3ha. Quá trình thực hiện, các hộ luôn tuân thủ sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên thực hiện đề tài. Sau khi thu hoạch, các mô hình đều cho năng suất cao hơn những vườn bưởi đối chứng từ 15 đến 17%, sản lượng bình quân hơn 10 tấn/ha, quả đồng đều với trọng lượng từ 1,5 đến 1,7kg/quả, màu sắc đẹp. Giá bán tại vườn bình quân năm 2019 khoảng 25.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng 170 triệu đồng/ha. Với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, việc trái cây Khánh Vĩnh nói chung và bưởi da xanh nói riêng đi theo hướng sản xuất an toàn, bền vững là một bước đi đúng. Đó không chỉ là việc cung ứng ra thị trường sản phẩm ngon, sạch, chất lượng cao, mà còn giúp cho người dân thay đổi tư duy sản xuất. Sau khi đề tài kết thúc, HTX xác định cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các thành viên sản xuất theo đúng quy trình VietGAP đã hướng dẫn, đảm bảo chất lượng bưởi da xanh khi đưa ra thị trường.
Tiếp tục nhân rộng
Song song đó, nhóm nghiên cứu còn xây dựng 5 mô hình trồng mới và thâm canh bưởi da xanh giai đoạn kiến thiết cơ bản theo hướng VietGAP với diện tích 2,5ha tại các huyện: Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Khánh Sơn. Các mô hình được trồng giống bưởi da xanh của Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ. Qua quá trình chăm sóc, cây trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt. Sau khoảng 26 tháng, cây đã ra hoa, 34 tháng sau trồng cây bắt đầu cho quả bói đầu vụ; trong khi cây đối chứng đến khoảng 34 tháng mới bắt đầu ra hoa.
Bên cạnh việc xây dựng thành công các mô hình, đề tài đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP cho 20 cán bộ và người trồng bưởi da xanh trên địa bàn; tổ chức 4 hội thảo đầu bờ “Kỹ thuật trồng và thâm canh bưởi da xanh theo hướng VietGAP” cho 520 nhà vườn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số hộ trồng bưởi da xanh tham gia sản xuất theo hướng VietGAP. Theo các nhà vườn, việc áp dụng quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP giúp giảm chi phí, công lao động, sản phẩm bưởi bán ra thị trường an toàn hơn, không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn cho cả người trồng bưởi.
Các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá, đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Vì vậy, sau khi đề tài kết thúc, HTX Cây ăn quả Khánh Đông cần tiếp tục duy trì, nhân rộng số hộ sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời duy trì và tích cực sử dụng website đã được xây dựng để góp phần quảng bá và phát triển kinh doanh sản phẩm bưởi da xanh của địa phương.
KHÁNH HÀ