Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài "Đầu tư và ứng dụng Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp vào nông nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi tại Khánh Hòa". Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để tỉnh xây dựng các chính sách, giải pháp khuyến khích đầu tư và ứng dụng Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp vào nông nghiệp…
Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Đầu tư và ứng dụng KH-CN của doanh nghiệp (DN) vào nông nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi tại Khánh Hòa”. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để tỉnh xây dựng các chính sách, giải pháp khuyến khích đầu tư và ứng dụng KH-CN của DN vào nông nghiệp…
Chưa xứng với tiềm năng
Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Quỳnh - Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, chủ nhiệm đề tài, Khánh Hòa có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản… Tuy nhiên, thời gian qua, phát triển nông nghiệp của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng: Năng suất cây trồng, vật nuôi không cao; sản lượng sản xuất ra không ổn định; chất lượng sản phẩm, lợi thế cạnh tranh thấp… Các DN trên địa bàn tỉnh phần lớn là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực đầu tư và ứng dụng KH-CN thấp; nhiều chủ trương, chính sách ở Trung ương và tỉnh được ban hành, thực hiện để khuyến khích đầu tư và ứng dụng KH-CN của DN vào nông nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Điều tra của nhóm nghiên cứu tại một số DN, hợp tác xã (HTX), trang trại và cán bộ, chuyên gia cho thấy, hoạt động cho vay vốn để DN đầu tư và ứng dụng KH-CN trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, số lượng DN tiếp cận được chính sách còn ít; chính sách về hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH-CN được thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN hàng năm của tỉnh nhưng số lượng DN tham gia hoạt động nghiên cứu đề tài, dự án chưa nhiều, chủ yếu tập trung một vài DN lớn. Bên cạnh chính sách, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc đầu tư ứng dụng KH-CN của DN vào nông nghiệp. Theo số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu, có 44,4% DN, 70% HTX và hơn 80% hộ được hỏi cho rằng thị trường tiêu thụ vùng nông nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi Khánh Hòa rất khó khăn nên khó thu hút các DN đầu tư. Ngoài ra, hơn một nửa DN, HTX, các hộ sản xuất cho rằng lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh thiếu sự quan tâm đến công tác khuyến khích, thu hút đầu tư và ứng dụng KH-CN vào nông nghiệp ở nông thôn, miền núi…
Từ thực tế đó, UBND tỉnh đã đặt hàng cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện đề tài “Đầu tư và ứng dụng KH-CN của DN vào nông nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi tại Khánh Hòa”. Sau 2 năm, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá được thực trạng, những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong đầu tư và ứng dụng KH-CN của DN vào nông nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh giai đoạn 2011- 2016… Từ đó, đưa ra các định hướng, tầm nhìn và giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và ứng dụng KH-CN của DN vào nông nghiệp ở các khu vực nông thôn, miền núi tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn 2035.
Đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để khuyến khích đầu tư và ứng dụng KH-CN của DN vào nông nghiệp ở các khu vực nông thôn, miền núi, đề tài đề xuất tỉnh cần có định hướng rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN; thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm chính sách đến DN, người dân; hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng. Mặt khác, giảm các hỗ trợ nhỏ, lẻ cho từng hộ để dồn nguồn lực tập trung vào phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực thông qua thu hút DN; các chính sách giảm dần tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ vốn đối ứng của khu vực DN…
Song song đó, đề tài đề xuất các giải pháp khuyến khích đầu tư và ứng dụng KH-CN của DN vào nông nghiệp ở các khu vực nông thôn, miền núi tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn 2035. Cụ thể, tỉnh cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ gồm: Tiếp cận đất đai; nguồn vốn tín dụng; thuế; đào tạo nguồn nhân lực; thị trường tiêu thụ sản phẩm; bảo hiểm nông nghiệp… Đồng thời, cần quy hoạch khu, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với quy hoạch các vùng, công nghệ cao; cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt giảm chi phí cho DN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; hỗ trợ thành lập các hội, hiệp hội của DN cùng ngành nghề, lĩnh vực để liên kết, hỗ trợ nhau phát triển; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại các huyện miền núi, vùng nông thôn… Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đề xuất DN nông nghiệp thay đổi tư duy xem đầu tư và ứng dụng KH-CN vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp là khâu tiên quyết trong xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của DN; nâng cao trình độ quản lý, đầu tư đổi mới phát triển công nghệ, cải tiến quản lý sản xuất; tăng cường liên kết giữa các DN; chủ động, tích cực tham gia các chương trình trợ giúp của Nhà nước…
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN, Chủ tịch Hội đồng đánh giá: “Đề tài đã đưa ra được số liệu phong phú và cụ thể, nêu bật được bức tranh về việc đầu tư, ứng dụng KH-CN của DN vào nông nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh thời gian qua và đề xuất được các giải pháp, chính sách thời gian tới. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để tỉnh, các ngành chức năng có căn cứ xây dựng chính sách, giải pháp khuyến khích, đầu tư và ứng dụng KH-CN của DN vào nông nghiệp…”.
KHÁNH HÀ