05:12, 27/12/2019

Chế tạo thiết bị bay không người lái

Với nhiều ưu điểm vượt trội, đề tài thiết kế, chế tạo mô hình thiết bị bay không người lái (gọi tắt là UAV) do Thiếu tá Lê Quý Thời - giảng viên Trường Đại học Thông tin liên lạc sáng chế đã đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học công nghệ 2019 cấp trường và giải nhất cấp binh chủng.

Với nhiều ưu điểm vượt trội, đề tài thiết kế, chế tạo mô hình thiết bị bay không người lái (gọi tắt là UAV) do Thiếu tá Lê Quý Thời - giảng viên Trường Đại học Thông tin liên lạc sáng chế đã đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học công nghệ 2019 cấp trường và giải nhất cấp binh chủng.


Làm chủ kỹ thuật


Theo Thiếu tá Thời, thiết kế, chế tạo UAV là lĩnh vực nghiên cứu khá mới mẻ ở Việt Nam. Đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển giao, huấn luyện kỹ thuật bay không người lái; chế tạo UAV dạng Multirotor hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn; thử nghiệm UAV tầm trung cho mục đích nghiên cứu và dân sự. Vì thế, đề tài có tên là Thiết kế, chế tạo mô hình UAV phục vụ giám sát, thu thập hình ảnh thời gian thực từ xa phục vụ công tác trinh sát, dã ngoại và cứu hộ, cứu nạn.

 

Thiếu tá Lê Quý Thời và mô hình UAV.

Thiếu tá Lê Quý Thời và mô hình UAV.


Để hoàn thiện UAV “made in Vietnam”, Thiếu tá Thời đã nghiên cứu, chế tạo gần 2 năm, tự bỏ tiền ra nghiên cứu phần mềm, phần cứng với tổng kinh phí hơn 30 triệu đồng. Theo anh, cái khó nhất là thiết kế hệ thống điều khiển bay theo mô hình Quadcopter (4 động cơ), thử đi thử lại nhiều lần để đạt độ ổn định. Trong quá trình chế tạo phải tính toán tổng lực của các góc xoay, góc nghiêng, góc lệch làm sao cân bằng để UAV có thể bay ổn định, đứng yên hay đổi hướng. Các chi tiết đều được thiết kế và gia công bằng máy in 3D. Phần cứng sử dụng trong bo mạch điều khiển bay gồm hàng loạt thiết bị phức tạp như: các cảm biến gia tốc, áp suất, từ trường, định vị, hỗ trợ công nghệ, con quay hồi chuyển, bộ vi điều khiển… Vì thế, UAV có thể đưa trực tiếp hình ảnh hiện trường về thiết bị kết nối như điện thoại thông minh hay laptop.


Với việc làm chủ hoàn toàn về kỹ thuật thiết kế, chế tạo cũng như sở hữu lõi chương trình nên việc sửa chữa, cải tiến, nâng cấp tính năng sản phẩm dễ dàng hơn so với UAV nguồn gốc nước ngoài. Bên cạnh đó, sản phẩm còn được gia công từ vật liệu thân thiện với môi trường, có thể tùy biến trong quá trình in 3D để cho ra các chi tiết kỹ thuật có thể chịu được sự tác động lớn của ngoại lực phù hợp với điều kiện làm việc.


Giảng viên giỏi, năng động


Thiếu tá Thời vốn là học sinh chuyên Toán của Trường THPT Trần Hưng Đạo (Phan Thiết, Bình Thuận). Anh thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự và tốt nghiệp năm 2005, chuyên ngành Điện - Điện tử. Anh cũng là giáo viên dạy tiếng Anh bộ môn Điện tử giỏi của trường. Năm 2017, giải pháp Hệ thống chống trộm thông minh của anh đạt giải nhì cấp trường.


Theo Thiếu tá Thời, UAV ngày càng được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên giá thành là rào cản lớn. Do đó, việc làm chủ công nghệ, tạo ra mô hình có bản quyền, có bản sắc riêng là điều Việt Nam nên hướng tới.


Đại tá Nguyễn Tôn Huỳnh - Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật cơ sở, Trường Đại học Thông tin liên lạc cho biết, Thiếu tá Lê Quý Thời là giảng viên giỏi, kỹ năng tiếng Anh rất tốt, có ý chí cầu tiến. Năm 2018, ông Thời đạt giảng viên giỏi cấp nhà trường và binh chủng. Đồng thời, anh tham gia nhiều giải pháp trong các hội thi kỹ thuật cấp trường và binh chủng. Đề tài về UAV của anh đạt giải nhất cấp trường, làm chủ hoàn toàn về công nghệ và chế tạo thiết bị bằng máy in 3D. Theo thông báo mới nhất, đề tài của ông Thời vừa đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học công nghệ 2019 cấp binh chủng.


 V.L