10:10, 05/10/2019

Chế tạo ra máu nhân tạo có thể truyền cho mọi nhóm máu?

Các nhà khoa học đã phát triển máu nhân tạo trong phòng thí nghiệm có thể truyền cho mọi bệnh nhân, bất kể nhóm máu của họ.

Các nhà khoa học đã phát triển máu nhân tạo trong phòng thí nghiệm có thể truyền cho mọi bệnh nhân, bất kể nhóm máu của họ.

 



Một nhóm các chuyên gia Nhật Bản đã chế tạo ra "máu" hoàn chỉnh với các tế bào hồng cầu, mang oxy và tiểu cầu, kích hoạt sự đông máu khi da bị vết thương.

Khi thử nghiệm trên 10 con thỏ bị mất máu nghiêm trọng, 6 con đã sống sót.

Kết quả này tương đương với việc điều trị cho những con vật này bằng máu thật.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phát minh của họ có thể cứu được những người mà đáng lẽ sẽ chết vì mất máu, nhờ cho phép điều trị những người bị thương ngay tại hiện trường.

Bệnh nhân thường phải được đưa đến bệnh viện để các bác sĩ làm xét nghiệm xác định nhóm máu trước khi truyền máu. Một số đội cứu hộ hàng không của Anh đã mang theo máu O âm tính, được mệnh danh là loại "phổ thông" vì có thể truyền cho bất kỳ ai trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng máu O âm tính cũng là nhóm máu hiếm nhất, có nghĩa là nhu cầu vượt xa nguồn cung.

Máu nhân tạo được tạo ra bởi các nhà khoa học từ trường Y Quốc phòng quốc gia ở thành phố Tokorozawa. Kết quả được báo cáo trên tạp chí Transfusion.

"Thật khó để dự trữ một lượng máu đủ để truyền máu ở những vùng đảo xa xôi", tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Manabu Kinoshita nói.

"Máu nhân tạo sẽ có thể cứu sống những người mà nếu không sẽ không thể cứu được".

Thương tích nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt. Mất tiểu cầu khiến máu không cầm, trong khi các tế bào hồng cầu bị mất khiến oxy không đến được các cơ quan quan trọng.

Để điều trị tình trạng này càng nhanh càng tốt, các bệnh viện buộc phải có sẵn một lượng lớn các nhóm máu khác nhau.

Để khắc phục khó khăn này, các nhà khoa học đã chế tạo ra "máu" trong đó tiểu cầu và tế bào hồng cầu được để trong những túi siêu nhỏ gọi là các liposome trong chất lỏng.

Loại "máu" này có thể được bảo quản ở nhiệt độ bình thường trong hơn một năm. Tiểu cầu trong máu của người hiến máu hiện nay chỉ giữ được trong bốn ngày nếu được lắc trước đó để ngăn chặn chúng đông cứng. Và các tế bào hồng cầu bắt đầu thoái hóa sau 20 ngày ngay cả khi được bảo quản ở nhiệt độ thấp.

Khi thử nghiệm máu nhân tạo trên thỏ, không thấy có tác dụng phụ, như đông máu. Chưa rõ chính xác làm thế nào mà máu nhân tạo khắc phục được vấn đề về nhóm máu cụ thể của bệnh nhân. Nhóm máu được quyết định bởi các protein được gọi là kháng thể và kháng nguyên.

Kháng thể có trong huyết tương lỏng và tạo thành một phần của hệ thống miễn dịch. Kháng nguyên nằm trên bề mặt hồng cầu. Máu nhân tạo có thể đã được phát triển để không có kháng thể hoặc kháng nguyên, khiến nó trở nên "phổ thông". Truyền sai nhóm máu hiếm khi xảy ra. Cứ mỗi 1 triệu đơn vị máu được truyền ở Mỹ, thì có nhiều nhất là 4 đơn vị bị truyền sai nhóm máu, theo UW Health. Tuy nhiên, sai lầm này có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Theo vtv