02:09, 03/09/2019

Trải nghiệm sạc điện thoại bằng pin năng lượng mặt trời

Không cần ổ điện, cũng không cần pin dự phòng, chỉ bằng một tấm pin mặt trời, người dùng di động có thể sạc điện thoại ở bất kỳ đâu mà chẳng bao giờ lo hết điện.

Không cần ổ điện, cũng không cần pin dự phòng, chỉ bằng một tấm pin mặt trời, người dùng di động có thể sạc điện thoại ở bất kỳ đâu mà chẳng bao giờ lo hết điện.


Thời gian gần đây, việc sử dụng năng lượng mặt trời đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Nhiều nhà máy năng lượng mặt trời đã được xây dựng tại những địa phương có điều kiện đặc thù như các tỉnh Ninh Thận, Bình Thuận. Tuy vậy, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, việc sử dụng mặt trời làm nguồn năng lượng chính cho các thiết bị vẫn chưa thực sự phổ biến.

Trong tay Pv. VietNamNet đang là một bộ sạc sử dụng năng lượng mặt trời của hãng Choetech. Người dùng có thể dễ dàng tìm thấy một bộ sạc loại này trên chợ trực tuyến Amazon. Ở Việt Nam, các sản phẩm loại này thường khó tìm mua vì tương đối hiếm và cũng kén khách.

 

1

Bộ sạc gồm 3 tấm pin năng lượng mặt trời.


Bộ sạc này bao gồm 3 tấm pin mặt trời được bọc ngoài bằng một lớp vải polyester. Khác với tưởng tượng thường thấy về các tấm pin mặt trời, bộ sạc của Choetech có kích thước nhỏ gọn và trọng lượng khá nhẹ.

 

Khi gập lại, bộ sạc năng lượng mặt trời có kích thước tương đối mỏng và nhẹ. Điều này trái ngược hẳn với suy nghĩ của nhiều người về các tấm pin năng lượng mặt trời.

Khi gập lại, bộ sạc năng lượng mặt trời có kích thước tương đối mỏng và nhẹ. Điều này trái ngược hẳn với suy nghĩ của nhiều người về các tấm pin năng lượng mặt trời.

 

Người dùng có thể dễ dàng gấp lại để thuận lợi hơn khi di chuyển và trải ra mỗi khi cần sử dụng.

Sau khi hứng lấy nguồn năng lượng từ mặt trời, bộ sạc sẽ biến đổi chúng thành điện năng và xuất ra ngoài thông qua 2 cổng USB 5V - 2.4A. Ba tấm pin năng lượng mặt trời sẽ đem tới công suất tổng 19W.

 

 Bộ sạc này gồm 2 cổng đầu ra USB 5V - 2.4A.

Bộ sạc này gồm 2 cổng đầu ra USB 5V - 2.4A.



Nhìn chung, với 2 cổng USB, người dùng có thể sạc cùng lúc cho 2 thiết bị. Bao bọc bên ngoài 2 cổng USB này là một túi lưới. Đây cũng là nơi dùng để đặt điện thoại của người dùng.

Quá trình trải nghiệm thực tế cho thấy, tốc độ sạc điện thoại bằng năng lượng mặt trời tương đối nhanh. Người dùng sẽ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ để sạc đầy cho một chiếc điện thoại có pin 4.300 mAh.


Việc kết nối giữa máy và bộ sạc được thực hiện qua các dây cáp nối thông thường. Tùy cường độ nguồn ánh sáng mà bộ sạc cho ra tốc độ sạc khác nhau theo từng thời điểm.

 

 Người dùng có thể điều chỉnh hướng tiếp xúc nguồn sáng của các tấm pin để đạt hiệu xuất sạc cao nhất.

Người dùng có thể điều chỉnh hướng tiếp xúc nguồn sáng của các tấm pin để đạt hiệu xuất sạc cao nhất.

 
Khác với các bộ sạc thông thường, để sạc điện thoại với hiệu quả cao nhất, người dùng cần phải đặt các tấm pin sao cho chúng được tiếp xúc nhiều nhất với ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, để những tấm pin có thể hoạt động hiệu quả, việc vệ sinh chúng cũng phải được thực hiện thường xuyên nhằm loại bỏ lớp cát, bụi.

Trong quá trình sạc, người dùng có thể để bộ sạc ở một vị trí cố định, nơi có nhiều ánh sáng nhất hoặc mang máy theo khi di chuyển. Nhà sản xuất khá thông minh khi thiết kế sẵn một móc treo. Nhờ vậy, người dùng có thể cho thiết bị vào túi lưới rồi treo cùng với bộ sạc ở mặt ngoài balo của mình.

 

Để rảnh tay, người dùng có thể treo bộ sạc này lên mặt trước của balo để sạc pin trong quá trình di chuyển.


Giá của một bộ sạc năng lượng mặt trời là 38 USD trên Amazon, tương đương khoảng 1 triệu đồng tiền Việt.

Nhìn chung, ưu điểm của bộ sạc này nằm ở chỗ nó không bị phụ thuộc vào nguồn điện, cũng không sợ hết pin như những cục sạc dự phòng thông thường. Mức giá khoảng 1 triệu đồng cũng chỉ nhỉnh hơn một chút so với các loại sạc dự phòng phổ biến.

Thiết bị này đặc biệt phù hợp với những ai thường xuyên phải di chuyển, đặc biệt là những người có sở thích leo núi hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Đây có vẻ là tập khách hàng chính mà nhà sản xuất thiết bị này đang hướng tới.

Ở chiều ngược lại, bộ sạc này không mấy phù hợp với phần đông người sử dụng thông thường, dân văn phòng hay những người thường xuyên phải làm việc trong nhà. Ở điều kiện đó, một cục sạc dự phòng chắc chắn sẽ có ích hơn những tấm pin năng lượng mặt trời.

Theo vietnamnet