07:10, 24/10/2017

Công nghệ làm áo tàng hình bằng chùm tia vô hình

Các nhà khoa học phát triển một công nghệ mới để chế tạo áo tàng hình giống như trong phim khoa học viễn tưởng.

Các nhà khoa học phát triển một công nghệ mới để chế tạo áo tàng hình giống như trong phim khoa học viễn tưởng.

Stefan Rotter, nhà vật lý lý thuyết tại Đại học Kỹ thuật Vienna, Áo, và các cộng sự phát triển một công nghệ mới để chế tạo áo tàng hình, làm cho vật thể trông như biến mất bằng cách sử dụng "chùm tia vô hình" chiếu vào nó, theo Live Science. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Light: Science & Applications hôm 8/10.
 

Vật liệu trở nên trong suốt khi được chiếu một chùm tia laser từ phía trên

Vật liệu trở nên trong suốt khi được chiếu một chùm tia laser từ phía trên


"Những vật liệu phức tạp như một khối đường không trong suốt do có cấu trúc lộn xộn, khiến ánh sáng chiếu vào bị phân tán bên trong chúng nhiều lần. Sóng ánh sáng có thể đi vào và thoát ra khỏi vật thể, nhưng nó không chiếu xuyên qua môi trường trên một đường thẳng. Thay vào đó, ánh sáng phân tán thành nhiều hướng khác nhau", Rotter cho biết.

Về mặt lý thuyết, áo tàng hình hoạt động bằng cách bẻ cong đường truyền ánh sáng chiếu vào nó nhờ một lớp vật liệu đặc biệt. Nhưng với phương pháp mới, Rotter và các đồng nghiệp không muốn định vị lại các sóng ánh sáng.

"Mục tiêu của chúng tôi là hướng dẫn sóng ánh sáng ban đầu chiếu xuyên qua vật thể, giống như nó không có ở đó. Điều này nghe có vẻ lạ nhưng hoàn toàn khả thi với một số vật liệu nhất định và công nghệ sóng đặc biệt của chúng tôi", Andre Brandstötter, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Ý tưởng của nhóm nghiên cứu là chiếu một chùm tia, chẳng hạn như chùm tia laser, vào vật liệu từ phía trên để "bơm" cho nó đầy năng lượng. Tính chất của vật liệu sẽ bị thay đổi, làm cho nó trở nên trong suốt với các bước sóng ánh sáng khác nhau chiếu vào từ phía mặt bên.

"Chùm tia sẽ chiếu xuống vật liệu từ phía trên giống như một máy chiếu video, nhưng với độ phân giải cao hơn rất nhiều", Konstantinos Makris, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Crete, Hy Lạp, nói.

Theo khoahoc