08:02, 19/02/2017

Thúc đẩy độ bao phủ bảo hiểm y tế

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học "Đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân tỉnh Khánh Hòa - Nghiên cứu trường hợp 2 xã diêm nghiệp và nông nghiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa" ...

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân tỉnh Khánh Hòa - Nghiên cứu trường hợp 2 xã diêm nghiệp và nông nghiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa”. Kết quả đề tài giúp tỉnh có phương hướng phát triển độ bao phủ của BHYT toàn dân tốt hơn, đặc biệt là BHYT hộ gia đình.


Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình thấp


Đây là đề tài nghiên cứu khoa học do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ thực hiện từ tháng 6-2015 đến tháng 6-2017, kinh phí do Tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ. Tiến sĩ Lê Hữu Thọ - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH làm chủ nhiệm đề tài. Mục tiêu của đề tài là đánh giá thực trạng bao phủ BHYT toàn dân tại 2 xã: Ninh Phụng và Ninh Thọ nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT hộ gia đình, qua đó thúc đẩy đạt được mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.  


Trong quá trình thực hiện đề tài, đối tượng nghiên cứu chủ yếu tập trung vào BHYT hộ gia đình. Kết quả thực hiện cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT hộ gia đình đạt thấp so với mục tiêu cần đạt được trong kế hoạch của tỉnh. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015 đạt 30% nhưng đến thời điểm khảo sát ở 2 xã chỉ đạt gần 20%.


Khảo sát đã chỉ ra ngoài những khó khăn, rào cản về thủ tục phức tạp, quy định tham gia là hộ gia đình, nhận thức hạn chế của người dân về BHYT cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình tham gia BHYT hộ gia đình ở mức thấp. Một trong những rào cản lớn nhất là tham gia cả hộ gia đình cùng một lúc. Điều này gây khó khăn cho nhiều hộ, bởi họ không đủ khả năng để mua hết cho tất cả các thành viên trong gia đình mặc dù đã có chính sách giảm mức đóng.


Các số liệu nghiên cứu còn cho thấy, ở mỗi địa phương nhận thức của người dân về BHYT hộ gia đình cũng khác nhau, trong đó có điểm chung là số người biết nhưng chưa hiểu rõ về thủ tục, cách thức chi trả BHYT chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ tham gia BHYT hộ gia đình thấp còn xuất phát từ các nguyên nhân như: chính sách BHYT còn có những điểm chưa phù hợp; chất lượng điều trị và cung cách phục vụ, ứng xử của nhân viên y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở trong khám, chữa bệnh bằng BHYT cũng là một phần rào cản đối với người dân trong việc tiếp cận BHYT. Ngoài ra, những yếu tố về điều kiện kinh tế, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách liên quan đến BHYT ở địa phương vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đối với việc tham gia BHYT của người dân…


Xây dựng mô hình can thiệp hiệu quả


Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả và nhóm nghiên cứu đã xây dựng 4 mô hình can thiệp hiệu quả: xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới hành động - nhóm nòng cốt nhằm nâng cao năng lực truyền thông, lập kế hoạch, giám sát và đánh giá dự án; tổ chức truyền thông lưu động, tư vấn luật BHYT và vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình; tờ rơi, sổ tay hướng dẫn Luật BHYT và các chính sách BHYT hiện hành, treo băng rôn về BHYT; tham vấn, vận động người dân tham gia BHYT, cơ chế phối hợp, vận hành ở cơ sở. 4 mô hình can thiệp này sau khi thực hiện đã giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về BHYT và lợi ích thiết thực của BHYT; tỷ lệ người dân tham gia BHYT có chiều hướng tăng so với thời điểm trước nghiên cứu. Mục tiêu ban đầu là tỷ lệ tham gia BHYT hộ gia đình tăng ít nhất 5% sau can thiệp ở mỗi địa phương. Thực tế thực hiện đạt được cao hơn, khoảng 10% tại mỗi địa phương…


Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá, đề tài thực hiện có cơ sở khoa học đầy đủ, viện dẫn tình hình thực tế cụ thể, chính xác cao. Đề tài sẽ đóng góp vào việc thực thi chính sách của Đảng, pháp luật về BHYT, đưa chính sách này đi vào đời sống, góp phần đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo công bằng trong việc thụ hưởng các dịch vụ y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng.


Tiến sĩ Lê Hữu Thọ cho biết, một trong những thành công của đề tài là thành lập được nhóm nòng cốt thí điểm tại cộng đồng ở 2 thôn Xuân Hòa 1 (Ninh Phụng) và thôn Xuân Mỹ (Ninh Thọ). Do đó rất cần tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả này trên cơ sở thường xuyên vận động, khuyến khích họ tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thông tại cộng đồng về BHYT hộ gia đình. Bên cạnh đó, nên phát triển mạng lưới hành động tại các thôn khác trong xã trên cơ sở nhóm nòng cốt đã có. Mô hình này cũng có thể áp dụng cho nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh, đặc biệt là vùng nông thôn.


Thời gian tới, tác giả và nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng, đề xuất kế hoạch triển khai chuyển giao, ứng dụng, nhân rộng và phát triển kết quả đề tài, áp dụng các mô hình can thiệp cho nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh, góp phần đạt được mục tiêu BHYT toàn dân của tỉnh.


M.T