08:12, 28/12/2016

10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2016

Năm 2016 đánh dấu nhiều thành tựu rực rỡ trong các lĩnh vực vật lý, thiên văn, y học, tạo nên những cột mốc khoa học đáng nhớ. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật nhất theo bình chọn của báo Science News.

Năm 2016 đánh dấu nhiều thành tựu rực rỡ trong các lĩnh vực vật lý, thiên văn, y học, tạo nên những cột mốc khoa học đáng nhớ. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật nhất theo bình chọn của báo Science News.

 

Sóng hấp dẫn được tạo nên từ sự va chạm của 2 hố đen
Sóng hấp dẫn được tạo nên từ sự va chạm của 2 hố đen


1. Sóng hấp dẫn


Việc các nhà khoa học phát hiện ra dấu vết của sóng hấp dẫn có thể coi là sự kiện lịch sử trong lĩnh vực vật lý năm 2016. Sóng hấp dẫn là những gợn sóng lăn tăn giữa không gian - thời gian, được tạo ra bởi sự sáp nhập của 2 hố đen, đã được Trạm quan sát sóng hấp dẫn bằng tia laser giao thoa (LIGO) ghi nhận hồi tháng 2/2016.


Các nhà khoa học ở LIGO ước tính khoảng 1,3 tỷ năm về trước, 2 hố đen đã va chạm ở tốc độ bằng một nửa vận tốc ánh sáng, tạo ra sóng hấp dẫn. Sóng hấp dẫn xuyên qua mọi vật thể và băng qua vũ trụ trước khi đến Trái đất.

 

Virus Zika được xem là thủ phạm gây ra căn bệnh đầu nhỏ
Virus Zika được xem là thủ phạm gây ra căn bệnh đầu nhỏ


2. Phát hiện và "chiến đấu" với virus Zika


Các nhà khoa học và chuyên gia về lây nhiễm đang đối diện với một "trận chiến" lớn khi phát hiện virus Zika là thủ phạm gây ra căn bệnh đầu nhỏ lan rộng ở Brazil từ đầu năm 2015. Virus Zika đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước trên thế giới và đe dọa sức khỏe của nhiều người.


Bệnh rất nguy hiểm đối với thai phụ khi virus tấn công các mô não của thai nhi, là nguyên nhân gây dị tật đầu nhỏ. Những em bé may mắn không bị dị tật cũng phải chịu ảnh hưởng về khả năng thị giác và thính giác. Virus Zika cũng gây ra các tác động thần kinh ở người lớn.


Các nhà khoa học khuyến cáo, phụ nữ vùng dịch ở Brazil không nên mang thai trong vòng khoảng 2 năm tới để bảo đảm an toàn, sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

 

Hành tinh Proxima b
Hành tinh Proxima b


3. Phát hiện "bản sao" Trái đất


Tháng 9/2016, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố phát hiện về Proxima b và nhận định đây là ngoại hành tinh đầu tiên mà con người có thể gửi robot thăm dò tới trong tương lai. Hành tinh quay quanh ngôi sao mẹ Proxima Centauri, cách hệ Mặt trời 4 năm ánh sáng.


Proxima b ở gần ngôi sao mẹ hơn 5% so với Trái đất và chỉ mất 11,2 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo. Hành tinh này nằm trong khu vực cho phép nước lỏng tồn tại trên bề mặt và do đó có điều kiện phù hợp hỗ trợ sự sống phát triển.

 

Em bé đầu tiên ra đời từ công nghệ thụ tinh
Em bé đầu tiên ra đời từ công nghệ thụ tinh "3 bố mẹ"


4. Công nghệ thụ tinh "3 bố mẹ"


Tháng 4/2016, đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng công nghệ đang gây tranh cãi này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc cách mạng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hiện nay.


Công nghệ này được phát triển dựa trên nền kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kết hợp ADN của cha mẹ với cơ thể khỏe mạnh của một phụ nữ hiến tặng, cho ra đời bào thai từ nhiễm sắc thể của 2 người phụ nữ và một người đàn ông, nhằm giảm thiểu những căn bệnh di truyền cho con cái. Các nhà khoa học tin rằng công nghệ đột phá này sẽ đem lại niềm hi vọng có con khỏe mạnh cho hàng triệu ông bố, bà mẹ mang trong người các bệnh nan y di truyền. Tuy nhiên, nó vẫn còn đang gây ra tranh cãi về vấn đề đạo đức.

 

Lớp băng ở Bắc Cực có thể sẽ hoàn toàn biến mất
Lớp băng ở Bắc Cực có thể sẽ hoàn toàn biến mất


5. Nguy cơ mất biển băng Bắc Cực


Giữa năm nay, các chuyên gia đưa ra lời cảnh báo rằng lần đầu tiên sau 100.000 năm, lớp băng tại Bắc Cực có thể sẽ hoàn toàn biến mất do hiện tượng biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu. Họ đang tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng các hậu quả sinh học phức tạp khi băng tan.

 

Người cổ đại di cư từ châu Phi ra toàn thế giới
Người cổ đại di cư từ châu Phi ra toàn thế giới


6. Sự di cư của con người cổ đại


Chúng ta đã biết loài người di cư từ châu Phi ra toàn thế giới từ lâu nhưng chưa từng có bản đồ trên giấy hay bằng kỹ thuật số nào diễn tả toàn bộ quá trình này.


May mắn thay, nhờ DNA mà tiên tổ chúng ta để lại trong quá trình di cư, các nhà nhân chủng học và cổ sinh vật học đã dựa theo đó phác thảo được chuyến đi dài và vĩ đại thời cổ xưa của nhân loại. Tuy nhiên, từ đây, bản đồ di cư như chúng ta từng biết có thể sẽ phải thay đổi.

 

Loại vi khuẩn chỉ có 473 gene
Loại vi khuẩn chỉ có 473 gene


7. Hệ gene tối thiểu (minimal genome)


Một trong những thành tựu lớn nhất của sinh học năm 2016 là xây dựng được một loại vi khuẩn chỉ có 473 gene. Đây là kích cỡ bản đồ gene di truyền nhỏ nhất từng được biết đến của bất cứ tế bào sống nào và là một mốc quan trọng trong nỗ lực suốt nhiều thập niên qua của các nhà khoa học nhằm tạo ra một sinh vật chỉ chứa các yếu tố cần thiết nhất để tồn tại và sinh sản.


Hệ gene tối thiểu này giúp tạo ra các loại thuốc, đổi mới trong công nghiệp và nông nghiệp hay sản xuất ra các phân tử khác mà chính con người cũng chưa tưởng tượng ra được hết. Dự án còn tìm ra được các gene tối cần thiết cho sự tồn tại của vi khuẩn mà phần lớn không quen thuộc với các nhà khoa học, từ đó mở ra một khu vực nghiên cứu mới.

 

Kháng thể Aducanumab có thể chữa bệnh Alzheimer
Kháng thể Aducanumab có thể chữa bệnh Alzheimer


8. Kháng thể chữa bệnh Alzheimer


Kháng thể đầu tiên có thể ngăn chặn được căn bệnh Alzheimer cuối cùng đã xuất hiện. Các nhà khoa học đã chứng minh Aducanumab có thể “quét sạch” mảng bám amyloid- vốn ngăn chặn các tế bào não giao tiếp với nhau, nguyên nhân dẫn đến sự mất trí nhớ không thể phục hồi và suy giảm khả năng nhận thức.


Nghiên cứu mới này còn chính thức khẳng định, hung thủ chính gây bệnh Alzheimer chính là các mảng bám amyloid. Điều này thắp lên hi vọng khỏi bệnh của hàng triệu người mắc chứng Alzheimer trên thế giới.


 

Lỗ thủng tầng Ozone ở Nam Cực phục hồi.
Lỗ thủng tầng Ozone ở Nam Cực phục hồi.


9. Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đang “lành” lại


Đây là tin sáng hiếm hoi trong số các sự kiện về môi trường toàn cầu năm nay. Các nhà khoa học khí quyển cho biết, các lỗ thủng ozone hình thành hằng năm trên Nam Cực đang bắt đầu hồi phục. Dữ liệu cho thấy rằng, Nghị định thư Montreal để hạn chế việc sử dụng các hóa chất phá hủy ozone đã có tác dụng rõ ràng.

 

Máy tính thông minh Alpha Go của Google thắng áp đảo đương kim vô địch cờ vây thế giới
Máy tính thông minh Alpha Go của Google thắng áp đảo đương kim vô địch cờ vây thế giới


10. Trí tuệ nhân tạo thắng con người


Máy tính thông minh AlphaGo của Google đã thắng đương kim vô địch cờ vây thế giới Lee Se-dol với tỉ số áp đảo 4:1 hồi tháng 3 năm nay. Chiến thắng của AlphaGo đánh dấu lần đầu tiên một chương trình trí tuệ nhân tạo đánh bại một kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp đẳng cấp nhất thế giới. Thiết kế của AlphaGo mô phỏng lại hoạt động của bộ não con người khi giải quyết những câu đố, cho phép nó có thể tự học và trở nên thông minh hơn sau mỗi trải nghiệm.


Google cho biết sẽ ứng dụng hệ thống mạng thần kinh chuyên sâu (deep neural network) và các kỹ thuật dạy học cho máy tính mà AlphaGo dùng để chơi thành thạo cờ vây cho các lĩnh vực cấp thiết hơn, như y tế và robot.


Theo chinhphu.vn