02:10, 30/10/2016

Giấy điện tử uốn cong hiển thị toàn bộ dải màu

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Chalmers đã xây dựng được nền tảng để chế tạo giấy điện tử mới. Loại giấy này dày gần 1 micro mét, uốn cong được và hiển thị toàn bộ dải màu như màn hình LED thông thường, nhưng tiêu thụ năng lượng ít hơn 10 lần máy tính bảng Kindle.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Chalmers đã xây dựng được nền tảng để chế tạo giấy điện tử mới. Loại giấy này dày gần 1 micro mét, uốn cong được và hiển thị toàn bộ dải màu như màn hình LED thông thường, nhưng tiêu thụ năng lượng ít hơn 10 lần máy tính bảng Kindle. Kết quả nghiên cứu mới đây đã được công bố trên tạp chí uy tín Advanced Materials.

 



Khi các tác giả nghiên cứu đặt polime dẫn điện trên các cấu trúc nano, họ đã phát hiện ra sự kết hợp đó hoàn toàn phù hợp để tạo ra màn hình điện tử mỏng như giấy. Một năm sau đó, kết quả nghiên cứu đã được công bố. Giấy điện tử này mỏng chưa đến 1 micro mét, dẻo và hiển thị tất cả các màu sắc như màn hình LED thông dụng.

“Giấy điện tử mới giống máy tính bảng Kindle”, Andreas Dahlin - đồng tác giả nghiên cứu nói. “Giấy điện tử không sáng lên như màn hình thường, mà phản xạ ánh sáng bên ngoài chiếu vào giấy. Do vậy, giấy điện tử hoạt động rất tốt ở nơi có ánh sáng chói như dưới ánh nắng mặt trời, trái ngược với màn hình LED thường hoạt động tốt nhất trong bóng tối. Bên cạnh đó, giấy điện tử chỉ cần 1/10 năng lượng mà máy tính bảng Kindle sử dụng. Bản thân giấy điện tử tiêu thụ ít năng lượng hơn nhiều so với màn hình LED của máy tính bảng”.

Giấy điện tử phụ thuộc vào khả năng của polime trong việc kiểm soát cách ánh sáng được hấp thụ và phản xạ. Polime bao trùm cả bề mặt, nên các tín hiệu điện được truyền qua toàn bộ màn hình để tạo ra những hình ảnh có độ phân giải cao. Vật liệu vẫn chưa sẵn sàng cho ứng dụng, nhưng đây là nền tảng tương lai. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tạo vài điểm ảnh bằng màu đỏ, xanh lá cây và xanh dương (RGB), thường được sử dụng để tạo ra mọi màu sắc trong màn hình LED thông thường. Đến nay, kết quả nghiên cứu được cho là khả quan. Vấn đề còn lại là tạo ra các điểm ảnh bao phủ diện tích rộng bằng màn hình.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là cần có vàng và bạc để chế tạo màn hình, khiến cho quy trình sản xuất trở nên tốn kém. “Bề mặt vàng dày 20 nanomet, thật ra không phải là nhiều”, ông Andreas Dahlin nói. “Nhưng, hiện nay, khối lượng lớn vàng đang bị lãng phí trong quá trình sản xuất. Do vậy, chúng tôi phải khắc phục sự cố này hoặc tìm cách khác để giảm chi phí sản xuất”.

Andreas Dahlin - đồng tác giả nghiên cứu cho rằng, nơi sử dụng màn hình hiển thị thông tin tốt nhất sẽ là ở ngoài trời và nơi công cộng. Như vậy, có thể giảm tiêu thụ năng lượng và tiến tới thay thế các tín hiệu và màn hình thông tin không phải điện tử bằng các màn hình dẻo hơn.

Theo khoahocvacongnghevietnam