02:06, 05/06/2016

Động cơ nhỏ nhất thế giới bé hơn con kiến một triệu lần

Các nhà khoa học Anh chế tạo thành công động cơ nano có kích thước chỉ bằng vài phần tỷ mét hoạt động nhờ ánh sáng.

Các nhà khoa học Anh chế tạo thành công động cơ nano có kích thước chỉ bằng vài phần tỷ mét hoạt động nhờ ánh sáng.

 


  
Động cơ nhỏ nhất thế giới được tạo ra bởi các hạt nano vàng gắn kết với nhau bởi loại polyme nhạy cảm với nhiệt độ.

Theo Telegraph, nhóm nghiên cứu ở Đại học Cambridge, Anh, cho ra đời động cơ nano nhỏ nhất thế giới với kích thước bằng vài phần tỷ của một mét và hoạt động dựa vào ánh sáng. Kích thước động cơ nhỏ đến nỗi có thể sử dụng để xâm nhập vào tế bào sống nhằm chống lại bệnh tật. Động cơ có tên gọi là ANT (con kiến).

"Giống như những con kiến, động cơ có thể tạo ra lực lớn hơn so với trọng lượng của mình. Chúng tôi phải đối mặt với thách thức hiện nay là kiểm soát hoạt động của động cơ nano này", Jeremy Baumberg, tác giả chính của nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Cavendish thuộc Đại học Cambridge, cho biết.

Động cơ nguyên mẫu được chế tạo từ các hạt vàng tích điện có kích thước siêu nhỏ, gắn kết với nhau bởi loại polyme nhạy cảm với nhiệt độ. Khi làm nóng đến nhiệt độ nhất định bằng tia laser, động cơ tích trữ một lượng lớn năng lượng đàn hồi, các hạt nano vàng liên kết thành cụm chặt chẽ. Khi động cơ được làm mát, các hạt nano vàng nhanh chóng tách rời nhau, giống như một lò xo.

"Động cơ tạo ra lực khoảng 10 nano-Newton. Lực tính trên mỗi đơn vị khối lượng lớn hơn khoảng 10 đến 100 lần so với bất kỳ cỗ máy nào khác, từ động cơ phản lực cho tới động cơ phân tử", Baumberg chia sẻ với Washington Post.

Nhóm nghiên cứu đang thảo luận với các công ty tư nhân nhằm thương mại hóa công nghệ mới trong lĩnh vực sinh học ứng dụng. "Thử thách lớn nhất của chúng tôi hiện nay là tạo ra thiết bị có thể khai thác lực cho chuyển động theo một hướng, hơi giống piston trong động cơ hơi nước", Baumberg nói.

Theo vnexpress