10:05, 10/05/2016

Chế tạo thành công chíp, thẻ, đầu đọc HF RFID

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) đã chế tạo thành công chíp, thẻ, đầu đọc HF RFID, hệ thống ứng dụng, giúp khả năng tự động hóa công đoạn quản lý, thống kê dữ liệu…

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) đã chế tạo thành công chíp, thẻ, đầu đọc HF RFID, hệ thống ứng dụng, giúp khả năng tự động hóa công đoạn quản lý, thống kê dữ liệu… Hệ thống ứng dụng có khả năng mở rộng, tích hợp thêm nhiều tính năng hữu ích, trong đó một dòng chíp tần số cao (HF) gắn vào các loại thẻ thanh toán, kiểm soát vào/ra… và một dòng chíp tần số siêu cao UHF gắn lên hàng hóa. Tùy vào mức độ phức tạp của ứng dụng mà phần mềm sẽ nằm trực tiếp trên thiết bị hoặc nằm trên một máy chủ chuyên dụng. Sự thành công trong việc nghiên cứu và chế tạo chíp, các thiết bị và hệ thống ứng dụng RFID đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường trong nước và khu vực, giúp Việt Nam không còn phải phụ thuộc vào sản phẩm nước ngoài.

Thiết bị điện tử làm từ than đá

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - Mỹ đã chế tạo thành công các linh kiện điện tử từ than đá. Nhóm nghiên cứu đã xác định được các loại than đá tự nhiên, chưa xử lý có đặc trưng dẫn điện, có thể đáp ứng yêu cầu trong chế tạo thiết bị điện tử. Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các màng mỏng bằng cách nghiền than đá thành bột và hòa trộn thành dung dịch trước khi cho dung dịch đông đặc thành chất nền. Với việc điều chỉnh tính chất điện tử và quang học của than đá kết hợp với độ dẫn điện cao, độ ổn định nhiệt và độ cứng làm cho việc ứng dụng vật liệu nói trên vào sản xuất ngày càng cao.

Sản xuất năng lượng sạch

Các nhà khoa học thuộc Đại học Binghamton (Mỹ) đã nghiên cứu thành công việc sản xuất điện từ pin năng lượng mặt trời và tạo ra tế bào quang điện sinh học quy mô nhỏ. Nhóm nghiên cứu đã kết nối chín tế bào quang điện sinh học giống nhau, tạo ra pin năng lượng mặt trời sinh học có thể xếp lớp và mở rộng. Pin mặt trời liên tục tạo ra điện nhờ các hoạt động quang hợp và hô hấp của vi khuẩn theo chu kỳ ngày đêm trong tổng số 60 giờ. Nghiên cứu giúp tối đa công suất sản xuất điện/hiệu suất năng lượng và tính bền vững, khắc phục được những hạn chế của công nghệ tế bào quang điện sinh học, mở hướng sản xuất năng lượng với các ứng dụng năng lượng mặt trời sinh học trong tương lai.

Theo nhandan