04:02, 09/02/2016

Phát minh kỳ diệu: "thùng hút rác" tự động trên đại dương

Sáng chế độc đáo này sẽ giúp giảm lượng rác thải trên đại dương và bảo vệ môi trường sống của các loài động - thực vật.

Sáng chế độc đáo này sẽ giúp giảm lượng rác thải trên đại dương và bảo vệ môi trường sống của các loài động - thực vật.

  
Rác thải biển đang là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn cầu. Theo thống kê của trang Clean Air, cứ mỗi phút lại có 1 triệu túi nilon được con người sử dụng và phần nhiều trong số này bị lãng phí và vứt chủ yếu ra biển cả và đại dương.

 



Sốc hơn, các chuyên gia ước tính, có khoảng 46.000 phế phẩm từ nhựa trôi nổi trên diện tích 1 dặm vuông (khoảng 2,6 km vuông) nước biển. Trong đó, 60 - 80% số rác là chất dẻo, nhựa và 70% số rác này bị chìm xuống đáy biển.

Điều này khiến không chỉ hệ thực vật bị hủy hoại mà đời sống của nhiều loài động vật cũng trở nên khó khăn hơn, thậm chí nhiều loài đang lâm vào tình trạng sắp tuyệt chủng.

Với mong muốn thu dọn rác trên biển tiện lợi và không quá tốn kém, hai thanh niên người Úc - Andrew Turton và Pete Ceglinski đã giới thiệu đến mọi người phát minh về "thùng rác biển" kì diệu.

Có tên gọi là Seabin, chiếc thùng rác biển này có chức năng hút các loại rác - từ chai nhựa, túi nilon tới giấy, dầu, xăng hay các chất tẩy rửa đang trôi nổi trên bề mặt đại dương.

 

  Cách thức hoạt động của Seabin
Cách thức hoạt động của Seabin



Đầu tiên, nước sẽ được hút bằng máy bơm nhỏ, rác hữu hình bị giữ lại ở màng lọc, trong khi rác vô hình như dầu, mỡ... sẽ được đưa lên máy bơm và lọc riêng. Cuối cùng, phần nước sạch sẽ được đưa trở lại biển.


Richard Talmage - người chịu trách nhiệm thông tin về thùng rác biển chia sẻ: “Cách thức hoạt động của Seabin gần giống với chiếc máy lọc nước trong bể bơi nhưng được thiết kế để thu gom tất cả rác ở khu vực tại bờ biển đó”.

 

 Phần rác thu được sẽ được phân loại kỹ lưỡng
Phần rác thu được sẽ được phân loại kỹ lưỡng



Các nhà khoa học hi vọng phát minh này sẽ giúp thu hồi, ngăn chặn rác và chất độc hại trôi ra đại dương làm hủy hoại môi trường và trở thành thức ăn bất đắc dĩ của những động vật biển.

Ở Việt Nam, mỗi ngày, chúng ta "trút" khoảng 2.500 tấn rác nhựa ra môi trường bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo dự đoán của các chuyên gia, con số này vẫn chưa dừng lại và còn gia tăng hơn gấp vài lần nếu như mỗi người dân không tự ý thức được hành động xả rác thải nhựa, túi nilon ra môi trường.

Theo baomoi