10:02, 26/02/2016

NASA sắp hoàn thành cỗ máy nhìn về quá khứ 13,5 tỷ năm

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hoàn thành lắp ráp mặt gương chính của kính viễn vọng không gian James Webb, cỗ máy thời gian có khả năng nhìn ngược 13,5 tỷ năm.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hoàn thành lắp ráp mặt gương chính của kính viễn vọng không gian James Webb, cỗ máy thời gian có khả năng nhìn ngược 13,5 tỷ năm.

 

Mô hình thật của kính viễn vọng không gian James Webb. Ảnh: NASA.
Mô hình thật của kính viễn vọng không gian James Webb. Ảnh: NASA.


Theo RT, các kỹ sư thuộc NASA đã lắp đặt xong 18 mảnh gương chính của James Webb, chiếc kính viễn vọng to bằng một sân bóng tennis và cao ngang tòa nhà 4 tầng, tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard ở Greenbelt, Maryland.


Chiếc kính viễn vọng sẽ được lắp thêm các bộ phận trong vòng hai năm tại ba địa điểm phát triển khác trước khi khởi hành từ căn cứ phóng ở French Guiana, Nam Mỹ.


James Webb ra đời nhằm phục vụ các nghiên cứu thiên văn và vũ trụ học, bao gồm quan sát một số thiên thể xa xôi nhất trong vũ trụ, vượt quá khả năng tìm kiếm của những thiết bị nằm trên Trái Đất và ngoài không gian hiện nay.


Theo NASA, kính viễn vọng James Webb sẽ tìm kiếm những thiên hà đầu tiên hình thành trong vũ trụ thuở sơ khai và nhìn xuyên qua đám mây bụi để quan sát các sao tạo nên hệ thống hành tinh. "Đây là một cỗ máy thời gian với thiết bị quang học đủ nhạy để nhìn ngược quá khứ 13,5 tỷ năm", Scott Willoughby, một thành viên trong nhóm lắp ráp kính viễn vọng James Webb, chia sẻ.


James Webb sẽ thay thế kính viễn vọng Hubble của NASA, trở thành kính viễn vọng không gian mạnh nhất trong lịch sử. Hai bộ phận lớn nhất của nó là mặt gương chính và kính chống nắng.


Các thiết bị khoa học khác gồm máy ảnh và máy quang phổ có bộ phát hiện tín hiệu cực yếu được đưa vào Khoang Dụng cụ Khoa học Tích hợp (ISIM) vào tháng 3/2014 đã qua thử nghiệm nhiều lần, nhưng chưa được thêm vào đài thiên văn.


Sau khi NASA tiến hành thử nghiệm bay và dùng thử, đài thiên văn hoàn chỉnh sẽ được vận chuyển đến Nam Mỹ để phóng lên vũ trụ vào tháng 10/2018.


Theo VnExpress