Mô hình khu công nghệ cao được Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất là mô hình đô thị khoa học kinh tế biển.
Mô hình khu công nghệ cao được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đề xuất là mô hình đô thị khoa học kinh tế biển.
Theo lãnh đạo Sở KH-CN, đô thị khoa học này có các chức năng chủ yếu: thúc đẩy tinh thần khởi sự doanh nghiệp (DN) và ươm tạo các DN, đổi mới công nghệ; tạo ra cơ hội thương mại và giá trị gia tăng mới, cao hơn cho các công ty đã trưởng thành; tạo công việc dựa trên nền tảng tri thức công nghệ; xây dựng không gian sinh sống hấp dẫn lao động trí thức đến làm việc trong các lĩnh vực đang nổi lên; đẩy mạnh tổng hợp nguồn lực giữa đại học và DN. Kinh nghiệm các nước đã xây dựng các công viên, đô thị khoa học là các khu này được xây dựng kề bên khu vực đại học. Vì thế, vị trí đề xuất xây dựng công viên khoa học Khánh Hòa tại vùng đất ngoại thành, liền kề trung tâm TP. Nha Trang.
Nghị quyết số 06 ngày 4-4-2011 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội TP. Nha Trang giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đề ra nhiệm vụ “xây dựng khu công nghệ cao”.
|
Phương thức hình thành đô thị khoa học kinh tế biển Khánh Hòa được đề xuất theo lộ trình: hình thành thị trường sản phẩm công nghệ cao; tập hợp lực lượng tri thức từ trường đại học, viện nghiên cứu về các cơ sở nghiên cứu, sản xuất trong khu công nghệ cao; tiến tới sáng tạo công nghệ cao, tạo ra sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam với sự cân nhắc thêm đặc thù của địa phương. Các bước triển khai để hình thành đô thị khoa học kinh tế biển Khánh Hòa gồm: thu hút các nhà đầu tư xây dựng phát triển đô thị KH-CN cao; thu hút FDI đối với các tập đoàn lớn sở hữu công nghệ nguồn, sản phẩm công nghệ hàng đầu trên thị trường quốc tế, các DN KH-CN trong nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, triển khai, ươm tạo DN công nghệ cao, đào tạo nhân lực; tiếp thu, chuyển giao, học hỏi, nắm bắt công nghệ, ứng dụng, ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN; tổ chức triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về phát triển công nghệ cao; xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nghiên cứu, triển khai, từng bước xây dựng năng lực nội sinh trong lĩnh vực công nghệ cao, tiến đến làm chủ, sáng tạo công nghệ đặc thù kinh tế biển của Việt Nam. Tùy điều kiện tình hình thực tế và khả năng thu hút đầu tư FDI cũng như khả năng xây dựng các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo, đào tạo công nghệ cao, phát triển đô thị khoa học kinh tế biển vừa có thể tiến hành tuần tự, vừa có thể thực hiện đan xen và nhảy vọt. Vấn đề cốt lõi ở giai đoạn khởi động đô thị khoa học kinh tế biển là hình thành một thị trường sản phẩm công nghệ cao thật sôi động ở khu vực, sau đó mới tiếp cận các công nghệ tiên tiến và tiến tới sáng tạo, làm chủ công nghệ cao của người Việt Nam.
Để có cơ sở triển khai dự án, Sở KH-CN kiến nghị UBND tỉnh cho ý kiến về việc chọn mô hình khu công nghệ cao của Khánh Hòa là Khu đô thị khoa học kinh tế biển, tại thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm; phương thức kêu gọi đối tác chiến lược cùng góp vốn đầu tư - vận hành - khai thác, ưu tiên các tập đoàn quốc tế đã có kinh nghiệm xây dựng các công viên, đô thị khoa học. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh cho phép áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất cho các DN KH-CN đầu tư xây dựng các công trình và các DN, đơn vị đầu tư nghiên cứu, đào tạo vào đô thị khoa học; cho phép triển khai sớm chương trình xúc tiến đầu tư vào đô thị khoa học song song với các quá trình chuẩn bị khác, tạo thế khởi động thuận lợi ngay từ năm 2016…
Tại buổi làm việc của đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh với Sở KH-CN mới đây, đại diện một số sở, ngành thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng khu công nghệ cao nằm trong định hướng phát triển của tỉnh nhưng cần nghiên cứu, làm rõ thêm nhiều nội dung như: mục tiêu, sản phẩm cụ thể, các phương án, vị trí lựa chọn được kết nối hạ tầng như thế nào, lĩnh vực nào là thế mạnh của tỉnh cần ưu tiên, đối tác đầu tư… Sau khi xem xét báo cáo của Sở KH-CN cũng như ý kiến của các sở, ngành, đồng chí Lê Đức Vinh khẳng định, việc đầu tư khu công nghệ cao là cần thiết. Tỉnh sẽ thành lập đoàn khảo sát thực tế tại một số địa phương khác, trên cơ sở đó nghiên cứu, xem xét triển khai, thu hút đầu tư khu công nghệ cao phù hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương.
N.D
Theo thống kê của UNESCO, đến nay, trên thế giới có hơn 400 công viên khoa học (khu công nghệ cao). Mỹ là nước có nhiều khu công nghệ cao nhất với hơn 150 công viên khoa học, tiếp đến là Nhật Bản với 135 công viên khoa học, Trung Quốc có khoảng 100 khu.
Tại Việt Nam, đã có hơn 10 khu được mang tên khu công nghệ cao, công viên phần mềm, trung tâm công nghệ cao… Trong đó, có 3 khu công nghệ cao quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập là: Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.