07:12, 11/12/2015

NASA giúp Việt Nam bảo vệ môi trường bằng vệ tinh

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ giúp giới trẻ và các nhà khoa học Việt Nam thu thập dữ liệu nhằm nâng cao hiểu biết về môi trường Trái đất bằng việc sử dụng công nghệ vũ trụ.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ giúp giới trẻ và các nhà khoa học Việt Nam thu thập dữ liệu nhằm nâng cao hiểu biết về môi trường Trái đất bằng việc sử dụng công nghệ vũ trụ.


Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa ký thỏa thuận hợp tác Globe - chương trình học tập và quan sát toàn cầu đem lại lợi ích cho môi trường. Globe sẽ kết nối học sinh, giáo viên, nhà khoa học và cộng đồng nhằm xây dựng nhận thức về môi trường, hiểu biết về văn hóa và cộng đồng toàn cầu.


Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia cho biết, chương trình nhằm phục vụ đào tạo giới trẻ và các nhà khoa học thu thập các dữ liệu về môi trường với sự hỗ trợ của công nghệ vệ tinh, vũ trụ.


"Việt Nam sẽ trao đổi dữ liệu thu thập được với các nước để có bức tranh tổng thể về môi trường toàn cầu", ông Tuấn nói và cho biết NASA sẽ hỗ trợ phần mềm xử lý.

 

Giáo sư Châu Văn Minh và Đại sứ Ted Osius cùng ký kết thỏa thuận chương trình Globe. Ảnh: P. hương
Giáo sư Châu Văn Minh và Đại sứ Ted Osius cùng ký kết thỏa thuận chương trình Globe. Ảnh: P. hương


"Với việc sử dụng công nghệ vũ trụ, chương trình sẽ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục khoa học, nâng cao nhận thức về môi trường trong giới trẻ, xây dựng mối liên kết giữa nhà khoa học với nhà giáo dục, đóng góp các nghiên cứu có ý nghĩa về môi trường cho thế giới", giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST phát biểu tại lễ ký kết.


Ông Ted Osius - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết, thông qua Globe, các học sinh Việt Nam chia sẻ dữ liệu với học sinh Mỹ và các nước trên thế giới như Nga, Kenya. Từ đó các em sẽ hiểu được mối tương quan chặt chẽ của thế giới như thế nào bất chấp khoảng cách xa xôi về địa lý. Đó cũng là công cụ hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam thực hiện khám phá quan trọng và đổi mới công nghệ mà thế giới cần trong tương lai để phát triển và lớn mạnh.


Sau lễ ký kết, đầu năm 2016, VAST sẽ giao cho Trung tâm vệ tinh quốc gia là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình, chuẩn bị nhân lực để tham gia khóa đào tạo do NASA tổ chức.


Việt Nam tham gia mạng lưới các đối tác Globe gồm 113 quốc gia hợp tác cùng đạo tạo hơn 58.000 giáo viên và 1,5 triệu sinh viên tham gia. Năm 2011, VAST và NASA đã ký thỏa thuận hợp tác về hoạt động hàng không và vũ trụ dân dụng, bao gồm các nội dung như: trao đổi dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất; xác định vị trí cho hệ thống trắc địa không gian và hệ thống vệ tinh quan sát trái đất; nghiên cứu các ứng dụng của khoa học trái đất vì lợi ích con người; vấn đề phát triển nhân lực trong công nghệ viễn thám và ứng dụng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam...


Theo VnExpress