09:12, 04/12/2015

Khoa học công nghệ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo: "Xác định đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam".

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo: "Xác định đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam".

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: BL)
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: BL)


Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh cho biết, KH&CN luôn đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có đột phá về phát triển công nghệ thường tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao hơn, từ đó tạo động lực để các nguồn lực sản xuất sẽ được chuyển dịch vào các doanh nghiệp tạo ra giá trị cao hơn cho xã hội.


Quốc gia nào khai thác tốt hơn động lực khoa học và công nghệ đều đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế được biểu hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP).


Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả giai đoạn 2011 - 2015 sẽ vào khoảng hơn 28%. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế trong những năm qua, đang có xu hướng tăng cho thấy yếu tố đầu vào là vốn và lao động của nước ta đang được sử dụng hiệu quả hơn trong việc tạo ra kết quả đầu ra. Đây là sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế theo hướng tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Đó là nâng cao chất lượng lao động, chất lượng về vốn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn.


Thứ trưởng cũng cho rằng, Việt Nam muốn trở thành một quốc gia có năng suất cao cần có những thay đổi về cơ cấu kinh tế, phân bổ và sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả, phát huy năng lực và khả năng sáng tạo của người lao động, đặc biệt là cần thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất trong doanh nghiệp. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tăng năng suất chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, phát triển sản phẩm mới với các tính năng sáng tạo độc đáo hơn, tăng khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường một cách nhanh nhạy.

 

Hội thảo
Hội thảo "Xác định đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam". (Ảnh: BL)


Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore, Việt Nam đang có lợi thế là nước đi sau có thể khai thác khoảng cách công nghệ của mình so với thế giới, từ đó đẩy nhanh công cuộc bắt kịp. Khoảng cách lạc hậu về công nghệ càng xa càng có khả năng đạt được nhiều thành công ấn tượng trong nỗ lực này. Lấy ví dụ từ đất nước Hàn Quốc, những năm 50 của thế kỷ XX, là một quốc gia nghèo đói nhưng chỉ sau 30 năm, nhờ định hướng phát triển khoa học công nghệ đã trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á.


Lý giải cho câu hỏi tại sao doanh nghiệp tư nhân không mặn mà với việc đầu tư cho khoa học công nghệ, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương cho rằng, doanh nghiệp tư nhân chỉ bỏ tiền ra khi họ tính toán có lãi. Họ cũng có tâm lý muốn tạo lãi nhanh và dễ dàng trong khi lĩnh vực khoa học công nghệ thường không nhìn thấy lãi trước mắt và hiện tại cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng và hiệu quả. Phó Giáo sư cũng khẳng định: Khoa học công nghệ có vai trò quyết định trong việc cất cánh nền kinh tế.


Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề như: Đóng góp của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế; Năng suất yếu tố tổng hợp – TFP của Việt Nam và đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế; Kinh nghiệm của Malaysia về nghiên cứu, tính chỉ số đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế; Trao đổi thảo luận về xác định đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế./.


Theo ĐCSVN