Microsoft đang nghiên cứu chế tạo một loại bàn phím có khả năng nhận biết các thao tác cử chỉ của người sử dụng nhằm biến bàn phím truyền thống thành một thiết bị đa năng 3-trong-1.
Microsoft đang nghiên cứu chế tạo một loại bàn phím có khả năng nhận biết các thao tác cử chỉ của người sử dụng nhằm biến bàn phím truyền thống thành một thiết bị đa năng 3-trong-1.
Bàn phím này đã được Microsoft giới thiệu tại Hội thảo Tương tác Con người và Máy tính tổ chức tại Toronto, Canada. Được trang bị tới 64 cảm biến dọc theo các phím bấm, mẫu bàn phím của Microsoft có thể nhận biết chuyển động của bàn tay kể cả trên không lẫn trên phím. Khả năng này khiến cho bàn phím có thể kiêm luôn chức năng của chuột và của màn hình cảm ứng. Chẳng hạn như khi người sử dụng lướt tay trên phím từ trái qua phải, menu của Windows 8 cũng sẽ chuyển theo chiều tương ứng.
Theo Stuart Taylor, kỹ sư của Microsoft, mục đích của việc tạo ra mẫu bàn phím nói trên là để giúp người sử dụng không phải rời tay khỏi bàn phím khi thực hiện các tác vụ trên máy tính, cũng như thực hiện các thao tác cử chỉ để thay cho màn hình cảm ứng. Một số cử chỉ "hoa chân múa tay" của người dùng có thể thay thế cho các phím tắt, chẳng hạn như tổ hợp phím Alt + Tab để chuyển giữa các ứng dụng.
Ông Taylor còn cho biết, bàn phím nói trên có thể hiểu được một số cử chỉ và đang tiếp tục được bổ sung thêm những cử chỉ khác. Bí mật sự thông minh của bàn phím nằm ở 64 cảm biến xếp dọc theo phím bấm. Các cảm biến này đi với nhau theo cặp. Một cảm biến sẽ phát tia hồng ngoại và cảm biến kia thu nhận tia phản xạ sau khi chạm vào bàn tay. Bằng cách phân tích các tín hiệu phản xạ, bàn phím thông minh có thể thực hiện được một số tác vụ cảm ứng mà bàn phím truyền thống "chào thua".
Nhóm của Taylor đã nghiên cứu phát triển công nghệ này trong vòng một năm rưỡi qua và đang tiếp tục hoàn thiện nó. Mặc dù chưa có kế hoạch thương mại hóa sản phẩm nhưng những công nghệ như thế này sẽ giúp cho Microsoft khẳng định sức mạnh trên lĩnh vực phần cứng bên cạnh lĩnh vực phần mềm của hãng quả là đáng nể.
Theo khoahoc