Qua 3 vụ lúa, nhóm thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình sản xuất và chế biến lúa chất lượng cao phục vụ du lịch và tiêu dùng ở tỉnh Khánh Hòa" đã tuyển chọn và xác định các giống lúa có năng suất và chất lượng cao, đồng thời hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến lúa theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm tại Khánh Hòa.
Qua 3 vụ lúa, nhóm thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất và chế biến lúa chất lượng cao phục vụ du lịch và tiêu dùng ở tỉnh Khánh Hòa” đã tuyển chọn và xác định các giống lúa có năng suất và chất lượng cao, đồng thời hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến lúa theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm tại Khánh Hòa.
Đây là đề tài khoa học cấp tỉnh, được thực hiện từ cuối năm 2012 đến 2014. Đề tài do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ thực hiện.
Qua các mô hình thử nghiệm 3 vụ lúa tại Ninh Quang (Ninh Hòa), nhóm thực hiện đề tài đã tuyển chọn từ hơn 20 giống lúa để xác định 2 giống lúa thơm chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của Khánh Hòa và thị hiếu của người dân. Đó là giống OM 4900 và giống OM 7347. Kết quả thử nghiệm cho thấy, lúa phát triển tốt, năng suất đạt cao. Vụ Đông Xuân 2014, đề tài đã triển khai mô hình cho 17 hộ với tổng diện tích hơn 5ha. Kết quả ở mô hình trình diễn đã thể hiện được ưu thế về năng suất, lợi nhuận tăng thêm bình quân 2,8 dến 5 triệu đồng/ha. Theo ông Trần Nho, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Quang 1, so với các giống lúa đối chứng người dân địa phương vẫn trồng, giống lúa mới cho năng suất, chất lượng tốt, ít sâu bệnh.
Từ phương thức tập quán canh tác truyền thống, nông dân đã tiếp nhận phương thức sản xuất mới vừa giảm chi phí sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho hạt gạo khi thu hoạch và an toàn cho môi trường. Thạc sĩ Hồ Sĩ Công - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Cùng với xác định giống, chúng tôi giảm mật độ sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, xác định công thức phân bón hợp lý để vẫn đảm bảo được năng suất mà giảm thiểu dư lượng kim loại nặng, hàm lượng nitorat trong sản phẩm”. 2 giống lúa OM 4900 và OM 7347 còn đáp ứng các tiêu chí về hương vị gạo cũng như các chỉ tiêu liên quan về độ dẻo thơm.
Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ cùng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đã tổ chức hội thảo đầu bờ “Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng an toàn thực phẩm” tại Ninh Quang. Nông dân đã tham quan, học tập và nắm bắt quy trình sản xuất, chế biến lúa chất lượng cao.
Tuy đã xác định được giống lúa chất lượng cao nhưng nông dân vẫn lo lắng về đầu ra. Để nhân rộng mô hình, vấn đề đặt ra là làm sao để sản phẩm gạo chất lượng cao của Ninh Quang - Ninh Hòa có sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Trần Nho băn khoăn: “Chúng tôi lo nhất là bị thương lái ép giá vì giống mới. Vì thế, mong địa phương trong thời gian đến xây dựng thương hiệu gạo này để thăm dò thị trường trước. Nếu thị trường chấp nhận, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích giống lúa mới”. Kết quả đề tài sẽ phục vụ cho việc xây dựng nhãn hiệu lúa chất lượng cao Ninh Hòa. Bà Trương Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Trên cơ sở kết quả đề tài, Sở sẽ tiến hành các bước để đăng ký thương hiệu. Khi có thương hiệu sẽ giới thiệu rộng rãi ra thị trường”.
Có thể nói, từ mô hình thử nghiệm đến nhân rộng vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra. Trong đó, có việc xây dựng thương hiệu, quảng bá để gạo chất lượng cao của Ninh Hòa - Khánh Hòa có sức cạnh tranh trên thị trường, người trồng lúa an tâm làm theo quy trình sản xuất, chế biến theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.
LIÊN MINH