Các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm vi khuẩn nốt sần giúp tăng năng suất cho cây đậu phụng; đồng thời góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường.
Các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm vi khuẩn nốt sần giúp tăng năng suất cho cây đậu phụng; đồng thời góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường.
Chế phẩm vi khuẩn nốt sần hoạt động theo cơ chế: khi nhiễm vào sẽ giúp duy trì và cải thiện những tính chất hóa học của đất trồng như: làm tăng hàm lượng mùn, lân, đạm...; đồng thời còn làm tăng số lượng vi sinh vật có ích trong đất trồng đậu phụng để phân giải các chất giúp cây phát triển.
Theo nghiên cứu, khi bón chế phẩm vi khuẩn nốt sần, tổng số vi khuẩn có ích cho sự phát triển của cây đậu phụng tăng từ 1,13 đến 1,42 lần; vi khuẩn nốt sần tăng từ 1,16 đến 2,99 lần; vi sinh vật phân giải lân trong đất tăng từ 1,7 đến 2,61 lần.
Hiện nay chế phẩm vi khuẩn nốt sần được phối chế làm 2 loại từ chủng vi khuẩn nốt sần NH1 và PC phân lập. Cả hai đều có công dụng tương đương nhau và đã được sản xuất.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, chế phẩm vi khuẩn nốt sần sẽ cho hiệu quả tốt nhất khi bón với liều lượng từ 30 đến 35kg trên mỗi héc-ta đất trồng đậu phụng. Bên cạnh đó, trên nền đất trồng bón thêm phân chuồng, vôi và một lượng nhỏ các phân bón khác. Ngoài ở Thừa Thiên - Huế, chế phẩm vi khuẩn nốt sần cũng thích hợp với điều kiện đất trồng đậu phụng của các tỉnh, thành miền Trung.
Theo các nhà nghiên cứu, việc ứng dụng chế phẩm vi khuẩn nốt sần đã được thực hiện tại những vùng trồng đậu phụng của Thừa Thiên - Huế.
Với việc bón 35kg chế phẩm vi khuẩn nốt sần cho mỗi héc-ta đất trồng đậu phụng cùng với một số loại phân bón khác đã giúp tăng năng suất đậu phụng lên hơn 30%, đậu phụng chắc củ hơn, hình thức, khối lượng củ cũng đồng đều hơn.
Thí điểm thành công công nghệ sản xuất nấm linh chi
Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất cao nấm linh chi (NLC) và trà NLC hòa tan” vừa được thí điểm thành công tại Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Cựu Chiến Binh xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Dự án do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thực hiện đang mang lại triển vọng mới cho sản xuất NLC trong nước.
Quy trình công nghệ sản xuất cao NLC và trà NLC hòa tan được thực hiện trên hệ thống thiết bị trích ly - cô chân không để tiến hành các công đoạn: trích ly, lọc dịch chiết loại bỏ cặn bã thu dịch trong chứa hợp chất hòa tan, cô và thu hồi dung môi cồn... Trên cơ sở các thông số kỹ thuật tiếp tục tiến hành ở quy mô Pilot; sản xuất công nghệ trích ly NLC và tạo chế phẩm NLC, trích ly ở quy mô 30 lít/mẻ, tạo ra 3.000 gói trà NLC hòa tan/mẻ.
Kết quả cho thấy, sản phẩm trà NLC hòa tan và cao NLC tạo ra có chất lượng tốt, các chỉ tiêu hóa lý vi sinh đều đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, việc áp dụng quy trình này không tốn nhiều nhân lực tham gia, mỗi mẻ thực hiện chỉ cần 1 công nhân/ngày. Công nghệ ứng dụng vào sản xuất và thực tế cho tiềm năng và hiệu quả kinh tế tăng gấp hơn 3 lần so với chi phí đầu tư ban đầu mà sản phẩm NLC nguyên liệu đem lại.
Từ công nghệ trên đã mở ra hiệu quả lớn trong sản xuất cao và trà NLC hòa tan từ NLC sản xuất trong nước, nhằm nâng cao giá trị nông sản, góp phần tạo tiền đề cho sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm quý từ NLC.
H.D (Theo khoahoc.com.vn)