Với mong ước khám phá, đưa công nghệ chế tạo tàu lặn phát triển tại Việt Nam, nhiều thế hệ sinh viên Khoa Kỹ thuật giao thông (Trường Đại học Nha Trang) đã nghiên cứu và chế tạo thành công mô hình tàu lặn.
Với mong ước khám phá, đưa công nghệ chế tạo tàu lặn phát triển tại Việt Nam, nhiều thế hệ sinh viên Khoa Kỹ thuật giao thông (Trường Đại học Nha Trang) đã nghiên cứu và chế tạo thành công mô hình tàu lặn.
Từ mô hình tàu lặn vỏ composite…
Cách đây 4 năm, từ khi còn là sinh viên bộ môn Kỹ thuật tàu thủy, anh Đỗ Quang Thắng (hiện là giảng viên Khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Nha Trang) luôn dành thời gian ngoài giờ học để nghiên cứu, thiết kế thử nghiệm mô hình tàu lặn... Anh đã cùng 4 sinh viên lớp Tàu thuyền khóa 47 mạnh dạn đề xuất và triển khai đề tài khoa học: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm mô hình tàu lặn vỏ composite”.
Đưa chúng tôi đi xem mô hình tàu hiện lưu giữ tại khoa, anh Thắng chia sẻ: “Háo hức với đề tài bao nhiêu thì khi bắt tay vào, chúng tôi thấy khó bấy nhiêu. Thời điểm đó, nước ta chưa có công trình nào về nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm cũng như mẫu mô hình nên chúng tôi phải mày mò từng chút một, từ tham khảo thầy cô, tìm hiểu thông tin trên mạng, lùng tìm các tài liệu nước ngoài và dịch sang tiếng Việt. Cuối cùng, chúng tôi cũng có đủ cơ sở lý thuyết. Đến phần thiết bị và linh kiện để chế tạo mô hình lại vướng tiếp: Hầu hết thiết bị ở Nha Trang không có, chúng tôi phải chia nhau tìm mua ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Một số thiết bị như: cảm biến áp suất, cảm biến độ nghiêng phải đặt mua ở nước ngoài với giá hàng trăm đô la”.
Anh Đỗ Quang Thắng (hàng đầu, bên trái) cùng các sinh viên lớp Tàu thuyền khóa 47 và mô hình tàu lặn đã chế tạo thành công. |
Bắt tay vào chế tạo, nhóm cũng gặp vô vàn khó khăn. Phần thực hành có nhiều công đoạn như thiết kế vỏ tàu, két lặn, cánh lái, động cơ điều khiển, hệ thống năng lượng..., đến mảng nào, nhóm lại phải “tầm sư học đạo” đến đó. “Khó nhất là công đoạn xử lý làm kín nước, đòi hỏi phải thử nghiệm nhiều lần, với các vật liệu khác nhau. Bên cạnh đó, việc chế tạo hệ thống điều khiển liên quan đến chuyên ngành Điện, Điện tử lại không phải chuyên môn của chúng tôi nên mấy lần nhóm đấu nhầm mạch, gây cháy thiết bị, phải mua làm lại”, anh Thắng cho biết. Việc mô hình hóa khối lượng, sức cản của tàu lặn cũng gặp khó khăn vì không có bể để thử nghiệm; vì vậy, nhóm nghiên cứu phải tính toán, thiết kế mẫu tàu thực tế trên lý thuyết động lực học, kết hợp với chế tạo mô hình thực, làm cơ sở hoàn thiện dần thiết kế tàu.
Miệt mài hơn 10 tháng, từ sáng sớm đến tối mịt, thử đi thử lại nhiều lần, chi phí bỏ ra đến hơn 50 triệu đồng, tới giáp Tết Dương lịch 2009, mô hình tàu cũng hoàn thiện. Cả nhóm thuê xe đưa tàu sang bể bơi của Học viện Hải quân thử nghiệm. Hôm ấy, đông đảo học viên của Học viện ra xem. Ai cũng trầm trồ ngắm con tàu lặn đen trũi dài 1,45m, đường kính thân khoảng 0,2m. Tàu được điều khiển chạy một vòng quanh mặt nước rồi lặn dần. Cứ xuống mỗi mét nước, mọi người lại kiểm tra áp suất, độ nghiêng, xem tàu có vào nước không. Bao cặp mắt đổ dồn, căng ra chờ đợi. 5m, 7m rồi 10m. Các chàng trai ôm siết lấy nhau trong niềm vui thành công.
… đến mô hình tàu lặn phục vụ du lịch biển
Mô hình tàu lặn phục vụ du lịch biển của các sinh viên lớp Tàu thuyền khóa 51. |
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình tàu có thể chạy an toàn ở tất cả chế độ từ chậm đến nhanh, thẳng hay quay vòng, tiến hay lùi với vận tốc 22,4km/giờ, lớn hơn vận tốc thiết kế; thời gian nổi đạt 16 giây, thời gian lặn đạt 58 giây. Kết cấu vỏ bằng composite đảm bảo độ bền, không bị biến dạng khi tàu lặn xuống độ sâu 10m nước; không có hiện tượng rò rỉ nước vào thân tàu qua các mối nối; các thiết bị điện tử được đảm bảo an toàn. Đề tài đã được Hội đồng Khoa học đồng loạt dành cho điểm 10.
Tiếp nối thành quả đó, năm 2012, các chàng trai lớp Tàu thuyền khóa 51 gồm: Nguyễn Công Luật và Lê Hoàng Vũ (Khánh Hòa), Phạm Văn Hoàng (Nghệ An), Hồ Cát Tường (Quảng Trị) lại bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm mô hình tàu lặn phục vụ du lịch biển tại Nha Trang”.
Nghiên cứu lần này đi vào thiết kế mô hình tàu lặn với chiều dài 1m, rộng 0,2m, có 2 khoang chính: khoang lặn để bơm nước vào thực hiện cơ chế lặn, nổi; khoang hành khách dành cho 4 người cùng 1 người lái, 1 người phục vụ. Thiết kế cho phép mô hình tàu chạy bằng năng lượng điện với tốc độ 10 hải lý/giờ, lặn sâu 5m. Tiếp cận đề tài, các sinh viên trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. “Khó khăn lớn nhất nằm ở khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, vì những số liệu trên lý thuyết, khi áp dụng vào mô hình thực tế luôn có sai số. Chúng tôi phải thử nghiệm rất nhiều lần để có được những giá trị tối ưu”, anh Nguyễn Công Luật - chủ nhiệm đề tài chia sẻ.
Tuy vậy, càng khó khăn, các chàng trai trẻ càng say mê hơn. Đến nay, mô hình đang hoàn thiện các yếu tố kỹ thuật cuối cùng để tiến tới nghiệm thu. Tiến sĩ Huỳnh Văn Vũ - Trưởng bộ môn Kỹ thuật tàu thủy, người hướng dẫn đề tài cho biết: “Với thành công của nghiên cứu, chúng tôi sẽ đăng ký thực hiện dự án sản xuất tàu thật từ mô hình này”.
Bằng khối óc và đôi bàn tay, các sinh viên trẻ hôm nay đã và đang khẳng định quyết tâm, khả năng làm chủ khoa học công nghệ, góp phần đưa đất nước ngày một đi lên để sánh vai với các cường quốc năm châu.
NGUYỄN NGỌC