02:12, 30/12/2012

Microsoft nghiên cứu hệ thống xử lí tín hiệu GPS nền đám mây

Microsoft Research hiện đang nghiên cứu một công nghệ sử dụng tín hiệu GPS mà không cần đến nhiều điện năng bằng cách đưa những thành phần nặng về tính toán lên "trên mây".

Microsoft Research hiện đang nghiên cứu một công nghệ sử dụng tín hiệu GPS mà không cần đến nhiều điện năng bằng cách đưa những thành phần nặng về tính toán lên "trên mây". Công trình này mang tên Cloud-Offloaded GPS (CO-GPS) và hiện Microsoft cũng đang thử nghiệm một nền tảng thụ cảm mới (gọi là CLEO) dành cho thiết bị di động, từ đó mang CO-GPS vào ứng dụng thực tế. Hiện nay, các ăng-ten GPS trong điện thoại của chúng ta tiêu thụ rất nhiều năng lượng và nếu chúng hoạt động liên tục trong khoảng 6 giờ thì thiết bị sẽ cạn sạch pin. Còn với dự án của Microsoft, theo lý thuyết, CO-GPS và CLEO có thể thu nhận tín hiệu GPS liên tục trong 1,5 năm chỉ với hai viên pin tiểu loại AA mà thôi.

 

Bình thường, để điện thoại của chúng ta tìm và cố định được vị trí mà ta đang đứng, nó phải mất khoảng 30 giây để lấy dữ liệu từ các vệ tinh đang xoay vòng quanh trái đất. Có hàng loạt thao tác xử lí tín hiệu cần phải được thực hiện chỉ để thiết lập được kết nối cũng như bám theo vệ tinh khi chúng di chuyển. Trong khi đó, hệ thống CO-GPS/CLEO chỉ thu thập những dữ liệu quan trọng nhất trong vài mili giây. Những thứ này sẽ được gửi đến một máy chủ để kết hợp cùng các thông tin công cộng, cơ sở dữ liệu trực tuyến (ví dụ như quỹ đạo vệ tinh, giá trị độ cao so với mực nước biển,...) nhằm tìm ra vị trí của điện thoại. Như vậy, smartphone của người dùng chỉ phải tốn một ít năng lượng ban đầu, các công việc phức tạp còn lại đã đưa hết lên mây xử lí. Kết quả là năng lượng tiêu thụ cho hệ thống giảm đi 99,96%, một con số rất cao.

CLEO trước đây được thiết kế cho những hệ thống theo dõi động vật với mục tiêu thu thập dữ liệu chuyển động theo thời gian, lúc đó nó không truyền ngay thông tin tới các server. Tuy nhiên, một khi đã được tích hợp trong một thiết bị có Internet (smartphone, tablet chẳng hạn), nó trở nên hữu dụng hơn và có thể thực hiện nhiệm vụ như đã mô tả ở trên.

Microsoft tin rằng việc sử dụng GPS điện năng thấp trên điện thoại sẽ giúp việc ghi lại địa điểm liên tục trở nên tốt hơn. Ví dụ, bạn có thể đóng góp thông tin của mình cho một cơ sở dữ liệu về mức độ ô nhiễm trong thành phố bạn đang sống. Hoặc nếu smartphone có thể lưu giữ thói quen lái xe của chủ nhân, chúng ta có thể nhận được các chỉ dẫn đường đi hoặc kết quả tìm kiếm dựa trên những con đường, hướng lái xe quen thuộc.

Microsoft không phải là công ty duy nhất tìm cách tiết kiệm điện năng cho kết nối GPS. Một công ty Thụy Sĩ là U-blox đã phát triển ra những con chip GPS dựa trên các nguyên lí đơn giản. Hệ thống GPS này cũng được kết nối với nhiều mạng khác nhau theo thời gian thực. Khi đó, việc xử lí có thể được thực hiện hoặc trên server, hoặc trên các PC, tablet có kết nối Internet, tùy theo ý tưởng thiết kế của sản phẩm. Những nhà nghiên cứu ở Đại học MIT, Duke, Đại học Nam California cũng nghiên cứu các kĩ thuật xử lí tín hiệu và những biện pháp khác để tăng tốc cho GPS, từ đó giúp tiết kiệm pin hơn.

Theo MIT Technology Review