Việc sử dụng hầm bảo quản sản phẩm trên biển bằng vật liệu PU đã khắc phục được các nhược điểm ở hầm bảo quản truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng thủy sản sau đánh bắt.
Việc sử dụng hầm bảo quản sản phẩm trên biển bằng vật liệu PU đã khắc phục được các nhược điểm ở hầm bảo quản truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng thủy sản sau đánh bắt.
Hầm bảo quản bằng công nghệ mới
Thạc sĩ Phan Xuân Quang, Bộ môn Hàng hải (Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang), Chủ nhiệm dự án “Sơ chế và bảo quản sản phẩm trên biển” cho biết: “Phần lớn hầm bảo quản bằng xốp mà ngư dân sử dụng lâu nay đều có khả năng giữ nhiệt kém, đá tan nhanh; nước biển dễ dàng thấm vào các lớp xốp cách nhiệt, khiến lớp này luôn ướt nên không duy trì được khả năng giữ nhiệt. Các loại vi khuẩn từ các lớp gỗ ở vách ngăn, các lớp ván sàn tàu thâm nhập vào sản phẩm, khiến sản phẩm dễ ươn thối và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...”.
Để khắc phục các nhược điểm trên, tháng 9-2011, Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản đã triển khai thí điểm dự án “Sơ chế và bảo quản sản phẩm trên biển”. Dự án được thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Cà Mau, Hà Tĩnh và Nghệ An, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng (Trung tâm Khuyến ngư quốc gia cấp kinh phí thực hiện). Dự án xây dựng hầm bảo quản bằng vật liệu công nghệ cách nhiệt dưới dạng bọt xốp Polyurethane (PU), lót hầm bằng inox cho 10 hộ ngư dân ở 5 tỉnh và tập huấn kỹ thuật bảo quản sản phẩm. Theo Thạc sĩ Phan Xuân Quang, vật liệu PU sau khi pha chế bằng máy được phun trực tiếp vào khuôn được thiết kế sẵn trên tàu cá. Bọt xốp PU khi phun vào sẽ bám chặt vào vách ngăn và mặt trong của vỏ tàu, ngăn không cho thấm nước, giữ lạnh rất tốt; đồng thời tăng độ an toàn cho tàu cá khi có bão, sóng lớn. Đây là vật liệu mới, đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và tại các đội tàu khai thác xa bờ của ngư dân các tỉnh miền Nam. So với hầm bảo quản truyền thống, hầm bảo quản sản phẩm trên biển bằng vật liệu PU đáp ứng các yêu cầu như không trầy cá, độ lạnh được trải đều, chất lượng cá bảo quản được đảm bảo lâu dài.
Hiệu quả bước đầu
Hầm bảo quản sản phẩm trên biển bằng vật liệu PU có khả năng giữ lạnh lâu. |
Tháng 7-2012, chiếc tàu mang số hiệu KH-97777 của gia đình anh Nguyễn Thuận (khóm Bình Tân, phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) được nhóm thực hiện dự án lắp đặt thử nghiệm một hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU. Sau một thời gian sử dụng trong các chuyến đi biển dài ngày, anh Nguyễn Thuận rất hài lòng với những ưu điểm của hầm bảo quản mới. Anh Thuận phấn khởi: “Nước đá mang theo gần như còn nguyên vẹn, sử dụng được khoảng 95%, trong khi với hầm bảo quản cũ, chỉ được 60 - 70%. Vì sản phẩm được bảo quản tốt nên chuyến đi biển có thể kéo dài hơn so với trước từ 3 - 5 ngày, đánh bắt được nhiều hơn”. Cũng nhờ được bảo quản tốt, khi vào bờ, sản phẩm vẫn giữ được độ tươi ngon, không bị trầy xước, nên giá thu mua sản phẩm cũng cao hơn so với sản phẩm của các tàu khác từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, anh Nguyễn Thuận cho biết thêm.
Hầm bảo quản sản phẩm trên biển bằng vật liệu PU sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của nghề đánh bắt xa bờ |
Thạc sĩ Phan Xuân Quang cho biết: “Qua kiểm tra, đánh giá kết quả của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các đoàn thể, ngư dân ở các tỉnh có nhận xét tốt về hiệu quả của hầm bảo quản bằng vật liệu PU. Hầm đạt tiêu chuẩn giữ lạnh lâu, đủ thời gian khai thác dài ngày trên biển, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang có kế hoạch cho mở rộng dự án trong những năm tiếp theo”.
Được biết, chi phí đầu tư cho mỗi hầm bằng vật liệu PU cao hơn hầm truyền thống khoảng 2 - 2,5 lần. Nhưng bù lại, hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU có thể sử dụng khoảng 15 - 20 năm, còn hầm bằng xốp chỉ sử dụng được 3 - 4 năm. Với những ưu thế nói trên, hầm bảo quản sản phẩm trên biển bằng vật liệu PU sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của nghề đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, đối với các tàu đánh cá cũ, khi xây dựng hầm bảo quản sản phẩm trên biển bằng vật liệu mới, phải phá bỏ và thay đổi một số bộ phận cũ trên tàu. Vì vậy, chi phí đầu tư sẽ cao hơn. Đây là một khó khăn đối với nhóm thực hiện đề tài cũng như nhiều ngư dân.
HOÀNG DUNG