08:11, 24/11/2012

5 loài cây sắp tuyệt chủng ở Khánh Hòa

Chai lá cong, sao lá tim, gõ biển, dầu Côn Đảo và cóc đỏ là 5 loại cây sinh trưởng tại vùng bán đảo Cam Ranh đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng...

 

Chai lá cong, sao lá tim, gõ biển, dầu Côn Đảo và cóc đỏ là 5 loại cây sinh trưởng tại vùng bán đảo Cam Ranh đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Ngày 22-11, tại thành phố Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp các sở, ngành liên quan để triển khai các biện pháp bảo tồn, tránh nguy cơ tuyệt chủng 5 loại cây đặc hữu, quý hiếm trên.

Theo báo cáo của Chi cục Lâm nghiệp, cây chai lá cong (Shorea falcata) là loại cây đặc hữu củaViệt Nam và quần thể tự nhiên chỉ còn tìm thấy ở Khánh Hòa. Cây này được xếp ở mức Rất nguy cấp (CR) theo Sách Đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của thế giới (IUCN).


Cây chai lá cong
Cây chai lá cong

Cây sao lá tim (Hopea cordata) cũng là cây thuộc mức CR, ở nước ta chỉ có tại bán đảo Cam Ranh, xuất hiện rải rác ở dạng gỗ nhỏ.

Cây dầu Côn Đảo (Dipterocarpus condorensis) đây là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bổ chính ở Côn Đảo, rải rác ở Bình Thuận, còn ở Khánh Hòa chỉ tìm thấy ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm) khoảng 30 cá thể.


Cây gõ biển
Cây gõ biển

Cây gõ biển (Sindora maritima) phân bố ở một số tỉnh miền Trung, đang bị thu hẹp vùng phân bố và đang được đề nghị xếp hạng Ít nguy cấp (LC).


Cây cóc đỏ.
Cây cóc đỏ.

Cây cóc đỏ (Lumnitzera littorea) là loại cây ngập mặn được xếp vào mức sẽ nguy cấp (VU).

Theo TTXVN, để bảo tồn những loại cây trên, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Ban quản lý Các dự án khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh phối hợp với chủ đầu tư cam kết bảo tồn các loài cây quý hiếm trên. Các công viên thuộc dự án khu du lịch này phải thực hiện theo hướng trở thành nơi bảo tồn, phát triển các loại cây quý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp điều tra, đánh giá tình trạng phân bố, nghiên cứu giải pháp bảo tồn nguồn gen, có kế hoạch nhân giống, trồng thử nghiệm… Các địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến cho người dân, tránh tình trạng chặt phá bừa bãi.

Theo NLĐ