Lần đầu tiên Việt Nam đã thử nghiệm thành công việc dự báo luồng cá ngừ đại dương dựa trên các yếu tố môi trường sinh thái biển kết hợp với đặc điểm sinh học của loài cá ngừ, giúp ngư dân khai thác hiệu quả.
Hiện nay, ngư dân tìm luồng cá, khai thác cá ngừ đại dương chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. |
Lần đầu tiên Việt Nam đã thử nghiệm thành công việc dự báo luồng cá ngừ đại dương dựa trên các yếu tố môi trường sinh thái biển kết hợp với đặc điểm sinh học của loài cá ngừ, giúp ngư dân khai thác hiệu quả.
Mô hình dự báo ngư trường trong tháng ở vùng biển xa bờ miền Trung do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Viện Nghiên cứu hải sản - Bộ NN-PTNT phối hợp triển khai từ năm 2010, hiện đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm với độ chính xác cao.
Dự báo chính xác 60%
Mô hình tập trung nghiên cứu trên 2 loài cá ngừ đại dương mà ngư dân thường khai thác là cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to trên vùng biển xa bờ miền Trung. Theo PGS-TS Đoàn Bổ, Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý biển Khoa Khí tượng – Thủy văn - Hải dương học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, người trực tiếp tham gia nghiên cứu, đây là mô hình tiên tiến nhất trong việc phát hiện luồng cá giúp ngư dân khai thác ngoài khơi hiệu quả.
“Mô hình có sự kết hợp giữa các yếu tố sinh học của loài cá ngừ với môi trường biển để dự báo luồng cá. Đây là điều trước đây chưa bao giờ làm được ở Việt Nam” - PGS-TS Đoàn Bổ khẳng định. Để phát hiện luồng cá, mô hình tập trung phân tích 26 yếu tố về môi trường sinh thái biển, như: nhiệt độ nước, cấu trúc nhiệt, lớp đồng nhất… được cập nhật hằng ngày từ vệ tinh rồi so sánh với đặc điểm sinh học của loài cá ngừ để phát hiện nơi nào chúng sẽ tập trung nhiều.
Theo PGS-TS Đoàn Bổ, cá ngừ thích nghi trong ngưỡng nhiệt độ từ 20 độ C - 24 độ C nên chủ yếu tập trung từ bề mặt biển đến độ sâu khoảng 200 m. Thức ăn của cá ngừ thường gắn liền với năng suất sinh học của các loài phù du sinh vật. Chỗ nào có nhiều phù du sinh vật thì chỗ ấy có nhiều thức ăn cho cá ngừ và đấy là nơi cá ngừ sẽ tập trung nhiều.
“Hiện nay, mô hình đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm với độ chính xác 60%. Đây là kết quả rất cao. Mô hình đang bước vào giai đoạn kiểm định và dự kiến đến năm 2015 sẽ tiến hành dự báo nghiệp vụ cho ngư dân” - PGS-TS Đoàn Bổ phấn khởi. Dự kiến, việc dự báo luồng cá sẽ được thực hiện theo từng tháng, gắn với thời gian mỗi chuyến biển của ngư dân.
Ngoài ra, trong mỗi tháng sẽ có 3 lần dự báo mới với thời gian dự báo ngắn hơn. Việc dự báo sẽ được thông tin miễn phí, rộng rãi đến ngư dân cả nước trên các đài phát thanh ở duyên hải, truyền hình kỹ thuật số và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Do, Phó Phòng Hậu cần dịch vụ nghề cá, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Bộ NN-PTNT, hiện cục rất quan tâm về mô hình này và đang tập trung để triển khai sớm đến ngư dân.
Ngư dân được lợi lớn
Lão ngư Trần Kim Hoa (63 tuổi, ngụ phường 6, TP Tuy Hòa - Phú Yên), chủ 2 tàu cá, cho biết việc tìm luồng cá lâu nay của ngư dân chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm. “Vùng biển nào mà chuyến biển trước khai thác đạt hiệu quả thì chuyến sau cứ thế giăng câu. Thả câu đôi ba ngày không có cá thì di chuyển đến vùng biển khác, tìm nơi có nước biển ấm để thả” - ông Hoa cho biết.
Chỉ dựa vào kinh nghiệm nên ngư dân vừa tốn thời gian vừa tốn nhiên liệu để tìm luồng cá, chi phí chuyến biển tăng cao nhưng hiệu quả mang lại thường bấp bênh. Theo số liệu của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, trữ lượng cá ngừ đại dương hằng năm ở vùng biển ngoài khơi miền Trung là trên 50.000 tấn, khả năng khai thác bền vững khoảng 17.000 tấn. Tuy nhiên, hiện trung bình mỗi năm, ngư dân 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa chỉ khai thác được trên dưới 10.000 tấn, riêng Phú Yên là hơn 5.000 tấn.
Để giúp ngư dân tìm luồng cá, năm 2011, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư quốc gia có hỗ trợ một máy tầm ngư hiệu Sonar JMC-CSV-1000-180 cho một tàu cá của ngư dân Biện Quang (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa - Phú Yên). Thiết bị này có thể phát hiện luồng cá trong bán kính 800 m. “Thiết bị này giúp ngư dân khai thác hiệu quả gấp 2 lần nhưng cũng chỉ dò tìm luồng cá trong bán kính nhất định, giá lại rất cao, từ 280 - 400 triệu đồng/máy nên ngư dân không có tiền để sắm” - ông Nguyễn Khắc Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên, băn khoăn.
Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, để giúp ngư dân ra khơi bám biển, việc làm thế nào phát hiện chính xác luồng cá và ngư trường là vấn đề hội quan tâm hàng đầu hiện nay. “Rõ ràng, những khu vực nào có môi trường sinh thái thuận lợi thì đàn cá sẽ tập trung nhiều. Nếu các nhà khoa học Việt Nam phân tích được các yếu tố môi trường biển để tìm luồng cá giúp ngư dân thì không còn gì bằng. Ngư dân sẽ được hưởng lợi lớn” - ông Lăng nhận định.
Ông Võ Thiên Lăng cho biết một số nước tiên tiến, chẳng hạn Pháp, cũng đã thành công với việc phân tích môi trường sinh thái biển để dự báo ngư trường nhưng thông tin được bán với giá rất cao. Trước đây, Hội Nghề cá Việt Nam cũng từng được rao bán với giá trung bình mỗi thông tin là 1.000 USD. “Chỉ có một số tập đoàn khai thác cá lớn của Nhật Bản và Nga mới đặt mua nổi các thông tin dự báo ngư trường như thế” - ông Võ Thiên Lăng nói.
Theo NLĐ