10:04, 12/04/2012

Sẽ chuyển giao công nghệ cho người dân

Đề tài “Thử nghiệm sản xuất giống cá chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepede, 1801) tại Khánh Hòa” do PGS-TS Lại Văn Hùng (Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm,....

Đề tài “Thử nghiệm sản xuất giống cá chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepede, 1801) tại Khánh Hòa” do PGS-TS Lại Văn Hùng (Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đã được Hội đồng Khoa học công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Để nhân rộng kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đang tiến hành pha 2 của đề tài: Hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo, thử nghiệm nuôi thương phẩm và chuyển giao công nghệ cho người dân địa phương.

Cá chim vây vàng là loại cá ưa hoạt động, dễ nuôi, có khả năng nuôi với mật độ cao trong lồng hoặc trong ao, ở cả thủy vực nước lợ và nước mặn. Đây là đối tượng nuôi có tốc độ sinh trưởng khá nhanh, giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay, nguồn cá chim giống ở Khánh Hòa phần lớn phải nhập từ Trung Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, con giống nhập từ nước ngoài khó thích ứng với môi trường nuôi mới nên tỷ lệ sống thấp, giá thành cao và nguồn cung không ổn định. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm thực hiện đề tài do PGS-TS Lại Văn Hùng làm chủ nhiệm đã nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm giống cá chim vây vàng tại Đầm Môn (huyện Vạn Ninh) và khu vực Vũng Ngán (TP. Nha Trang).


 Với giá bán trên thị trường từ 140.000 - 170.000 đồng/kg, cá chim vây vàng là đối tượng nuôi tiềm năng.
 Với giá bán trên thị trường từ 140.000 - 170.000 đồng/kg, cá chim vây vàng là đối tượng nuôi tiềm năng.

 

Qua 24 tháng triển khai đề tài (từ tháng 10-2009 đến tháng 10-2011), nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn, nuôi vỗ thành thục 129 con cá chim vây vàng bố mẹ. Trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ, nhóm nhận thấy cá chim vây vàng có thể thành thục và đẻ trứng quanh năm tại vùng biển Nha Trang - Khánh Hòa, trong khi ở các tỉnh miền Bắc chỉ được 5 tháng, còn ở Trung Quốc chỉ được 1 lần/năm. Sau khi cho cá bố mẹ đẻ trứng tại lồng bè trên biển, nhóm nghiên cứu đã vận chuyển trứng về ấp nở trong trại sản xuất giống. Với tỷ lệ nở trung bình trên 75%, từ 23,5 triệu trứng được thụ tinh, nhóm đã thu được 12,6 triệu ấu trùng cá. Đặc biệt, ấu trùng cá chim vây vàng có thể sử dụng tốt luân trùng làm thức ăn ở ngày thứ 3 kể từ khi nở. Nhờ vậy, tỷ lệ ấu trùng thành cá hương đạt được khá cao, khoảng 14,4%. Nhóm nghiên cứu đã ương cá giống trong bể xi măng tại các trại sản xuất và bằng lồng trên biển. Qua 12 đợt ương thử nghiệm trong bể xi măng và 9 đợt ương bằng lồng, các quy trình kỹ thuật ương đều thành công. Tuy gặp một số khó khăn do cá bị nhiễm bệnh nhưng nhóm thực hiện đề tài cũng đã thu được hơn 400 ngàn con cá giống (dài 4 - 5cm) nuôi trong bể xi măng và gần 20 ngàn con cá giống nuôi trong lồng bè, vượt gần 300% so với chỉ tiêu đặt ra. Bên cạnh việc thử nghiệm kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ, cho đẻ và ấp nở trứng cá, ương nuôi, nhóm thực hiện đề tài còn tập trung nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của mật độ ương, chế độ tập chuyển đổi thức ăn, hàm lượng n-3 HUFA trong thức ăn sống đối với sự trưởng thành và tỷ lệ sống của cá con. Nhóm đã đưa ra được chỉ số về mật độ nuôi phù hợp khi ương ấu trùng là không quá 45 con/lít nước, nhằm hạn chế hiện tượng cạnh tranh thức ăn, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng đồng đều của cá. Ngoài ra, nhóm cũng đưa ra một số cách phòng trị các bệnh thường gặp ở cá chim vây vàng như: bệnh ký sinh trùng do rận cá thường gặp ở cá chim bố mẹ, cá chết hàng loạt do nhiễm vi khuẩn Streptococcus sp, bệnh đốm trắng nội tạng…

Sau khi được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu đạt loại xuất sắc vào tháng 11-2011, nhóm nghiên cứu lại tiến hành pha 2 của đề tài là chuyển giao công nghệ cho người dân. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng các kết quả của pha 1 tới các hộ nuôi, nhóm nghiên cứu còn phải hoàn thiện thêm quy trình sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm. PGS-TS Lại Văn Hùng - Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Việc sản xuất thử nghiệm giống cá chim vây vàng đã được thực hiện thành công. Tuy nhiên, chất lượng trứng và tỷ lệ sống của cá mới nở đến 30 ngày tuổi vẫn chưa ổn định, tỷ lệ dị hình của cá giống còn khá cao. Mặt khác, người nuôi cá chim vây vàng thương phẩm tại Khánh Hòa cũng như các tỉnh ven biển miền Trung chủ yếu sử dụng cá tạp làm thức ăn, kỹ thuật nuôi tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao và dễ gây ô nhiễm môi trường nước. Do vậy, chúng tôi muốn tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống, xây dựng mô hình nuôi thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp và chuyển giao công nghệ cho người nuôi tại địa phương”.

Hiện nay, cá chim vây vàng được bán trên thị trường trong nước với giá khoảng 140.000 - 170.000 đồng/kg. Trong điều kiện nghề nuôi cá chẻm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, dịch bệnh, cá chim vây vàng sẽ là đối tượng nuôi tiềm năng, vừa để thay thế một phần cho các đối tượng nuôi trên, vừa góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi.

MAI HOÀNG