Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành triển khai nghiên cứu thực hiện đề án: "Ứng dụng quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh Biomix1...
Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành triển khai nghiên cứu thực hiện đề án: "Ứng dụng quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh Biomix1, nhằm xử lý phế thải nông nghiệp tại các huyện, thành thị trên địa bàn của tỉnh", với tổng số tiền để triển khai công trình nghiên cứu là 737 triệu đồng.
Sau hơn một năm tiến hành nghiên cứu tổ chức sản xuất tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của trung tâm đã nghiên cứu và sản xuất ra được sản phẩm là 15 tấn Biomix1 đảm bảo chất lượng và số lượng, đóng gói đúng quy định để cấp phát cho 9 huyện, thị trong tỉnh.
Sau khi cấp phát chế phẩm, Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với phòng Công thương và phòng Nông nghiệp tại các huyện, thị tổ chức theo dõi đánh giá kết quả sau khi sử dụng chế phẩm Biomix1 ở một số hộ nông dân tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên...
Đóng gói chế phẩm. |
Kết quả cho thấy, tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) nông dân được cấp chế phẩm chủ yếu dùng để ủ phân gia súc, gia cầm, tại các địa phương này có rất nhiều các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô tương đối lớn, đây là nguyên nhân chính dẫn đến nạn ô nhiễm môi trường tại các địa phương đó.
Theo đánh giá của một số hộ nông dân đã được sử dụng chế phẩm Biomix1 do Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc sản xuất đều có chung một nhận xét: Phế thải chăn nuôi sau khi được ủ bằng chế phẩm vi sinh sau 10-15 ngày đã mất mùi hôi thối và sau 20-25 ngày đã được phân hủy hoàn toàn.
Hiện nay, rất nhiều hộ nông dân sau khi thu hoạch lúa xong, thường phơi và đốt rơm, rạ ngay tại ruộng, việc làm này không chỉ lãng phí một nguồn phân hữu cơ lớn, khi rơm, rạ cháy khói bụi bay lên đã làm ô nhiễm không khí, góp phần gây nên hiệu ứng nhà kính. Trung tâm đã hướng dẫn nông dân cách sử dụng chế phẩm vi sinh Biomix1 để ủ rơm, rạ tại ruộng, sau khi rơm, rạ được ủ chế phẩm đã bị mục nát và phân hủy tạo thành một lượng phân hữu cơ giầu chất dinh dưỡng bón cho cây trồng, giúp cho đất tơi xốp.
Sau khi hoàn thành việc cung cấp chế phẩm vi sinh Biomix1 cho các huyện, thị trên địa bàn của tỉnh; nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã xây dựng phiếu đánh giá kết quả sử dụng chế phẩm vi sinh Biomix1 phát cho các địa phương để có sự đánh giá khách quan từ cơ sở. Tổng hợp các phiếu đánh giá cho thấy: Đối với các loại phân gia súc, gia cầm sau khi ủ từ 7-10 ngày là hết mùi hôi thối và sau 20-25 ngày là phân hủy hoàn toàn. Còn đối với các loại phế thải như rơm, rạ và một số cây rau mầu khác, sau khi ủ từ 20-30 ngày là bị phân hủy hoàn, dùng để bón ruộng.
Bà Phùng Thị Nga, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Sự thành công trong việc nghiên cứu và sản xuất ra 15 tấn chế phẩm vi sinh Biomix1 của Trung tâm ứng dụng tiện bộ khoa học và công nghệ là công sức của cả một đội ngũ cán bộ kỹ thuật của trung tâm đã ngày đêm tận tụy với công việc, say mê, miệt mài với công tác khoa học trong suốt hơn một năm trời, đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế và chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường về phế thải nông nghiệp đã diễn ra trong một thời gian dài.
Đề tài được triển khai là cơ sở để Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc phát triển sản xuất các chế phẩm vi sinh vật, sử lý ô nhiễm môi trường, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững. Sản phẩm sinh học (chế phẩm Biomix1) là sản phẩm thân thiện môi trường, không gây độc hại cho gia súc gia cầm và người nuôi, tạo nguồn phân bón hữu cơ dồi dào, giảm lượng phân bón hóa học, giảm nguồn sâu bệnh cho cây trồng, nâng cao năng suất cây trồng.
Theo Vietnam+